Đẩy mạnh phát triển nuôi tôm sinh thái kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn

Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) hỗ trợ cho dự án nuôi tôm sinh thái kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn tại Cà Mau. Dự án có tên “Rừng ngập mặn và Thị trường” (MAM – Mangroves and Markets) nhằm hỗ trợ việc nuôi tôm sinh thái kết hợp với rừng ngập mặn ở vùng bán đảo Cà Mau nhằm khôi phục diện tích rừng ngập mặn đã mất và góp phần làm giảm lượng khí thải carbon. Trong liên minh với các nhà nhập khẩu tôm, các doanh nghiệp, và hơn 5.000 nông dân, MAM sẽ cung cấp các khóa đào tạo về nuôi trồng và hỗ trợ tiếp thị tôm được chứng nhận sinh thái ra thị trường thế giới, đồng thời cũng hỗ trợ trồng mới và quản lý rừng ngập mặn.  

Tờ mờ sáng, khi bình minh còn chưa ló dạng ở vùng đồng bằng ngập mặn thuộc khu vực phía Nam Việt Nam, anh Van Cong To đã dậy và làm việc vất vả để kéo lưới thu hoạch tôm cung cấp cho thị trường trên toàn thế giới. Trước khi bình minh xuất hiện ở khu vực cửa sông tỉnh Cà Mau, anh Van và vợ con đã lựa chọn và phân loại khoảng 50 kg tôm để chuyển đến nhà máy chế biến thủy sản gần đó. Tại đó, tôm của anh Van sẽ được phân hạng, đông lạnh và đóng gói để xuất khẩu đi khắp thế giới.

Harvesting_shrimpIMG_5455-1024x682.jpg
Gia đình anh Van, giống như nhiều người khác trong khu vực, phụ thuộc vào nuôi tôm ở các vùng đồng bằng ngập mặn Cà Mau cho sinh kế của họ.

Lợi nhuận của việc nuôi tôm trong những năm gần đây khuyến khích Van và hàng ngàn nông dân khác trong vùng đồng bằng của Cà Mau chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm thâm canh. Cà Mau là tỉnh sản xuất 50% sản lượng tôm của Việt Nam, chỉ trong năm 2013, giá trị xuất khẩu của tỉnh này đạt 3,1 tỷ USD. Gia đình anh Van, giống như nhiều gia đình khác trong khu vực, phụ thuộc vào nuôi tôm cho sinh kế của họ. Tuy nhiên, trong 15 năm qua, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại nặng nề.

Rừng ngập mặn có một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái

Rừng ngập mặn là môi trường sinh sản tự nhiên của tôm cá, nó cung cấp các chất thải hữu cơ làm thức ăn cho các loài sinh vật, cây rừng tạo bóng râm, gốc và rễ cây rừng là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sinh vật. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường thế giới đối với tôm trong ba thập kỷ qua, hơn một nửa diện tích rừng ngập mặn tự nhiên của Việt Nam đã bị phá hủy để chuyển đổi thành ao nuôi tôm. Do phát triển nhanh chóng và chưa đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nên người nuôi tôm liên tục bị thất bại trong thời gian gần đây do chi phí nuôi ngày càng cao, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh bùng phát. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp nuôi tôm thâm canh của Việt Nam đã phải trả giá đắt cho vấn đề tàn phá rừng ngập mặn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập và sinh kế của gia đình anh Van và những người khác.

Rừng ngập mặn là một thành phần không thể thiếu của các hệ sinh thái tự nhiên, nó giúp bảo vệ các loài sinh vật chống lại sự ảnh hưởng của thủy triều, mưa bão và cung cấp một môi trường sinh sống phù hợp cho ấu trùng của các loài tôm cá. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò quan trọng như là một nhà máy lọc khí CO2, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính và giảm tác động của biến đổi khí hậu.

Mangrove_IMG_5360-1024x682.jpg
Với diện tích rừng ngập mặn như của Cà Mau, hàng năm có thể xử lý một lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tương đương với lượng khí thải từ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của toàn nước Anh.

Sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất ảnh hưởng đến hệ sinh thái, ví dụ như tàn phá rừng ngập mặn làm ảnh hưởng đến khả năng xử lý 20% lượng khí thải nhà kính. Rừng ngập mặn là một trong những loại rừng nhiệt đới giàu carbon nhất. Phá rừng ngập mặn dẫn đến giải phóng một lượng lớn carbon dự trữ trong cây và việc đào đất để xây dựng các ao nuôi tôm làm giải phóng nguồn carbon trong đất. Với diện tích rừng ngập mặn như của Cà Mau, hàng năm có thể xử lý một lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tương đương với lượng khí thải từ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch của toàn nước Anh.

Rừng ngập mặn kết hợp với thị trường tôm bền vững

Các chuyên gia về phát triển bền vững ngày càng chú trọng đến sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường thông qua việc phát triển rừng ngập mặn và cung cấp một cơ sở bền vững cho ngành công nghiệp nuôi tôm. Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã triển khai một dự án có tên “Rừng ngập mặn và Thị trường” (MAM – Mangroves and Markets) nhằm hỗ trợ việc nuôi tôm sinh thái kết hợp với rừng ngập mặn ở vùng bán đảo Cà Mau nhằm khôi phục diện tích rừng ngập mặn đã mất và góp phần làm giảm lượng khí thải carbon. Trong liên minh với các nhà nhập khẩu tôm, các doanh nghiệp, và hơn 5.000 nông dân, MAM cung cấp các khóa đào tạo về nuôi trồng và tiếp thị tôm được chứng nhận sinh thái, đồng thời cũng hỗ trợ trồng mới và quản lý rừng ngập mặn.

Dự án MAM sử dụng một mô hình nuôi tôm truyền thống tích hợp các trang trại nuôi tôm vào hệ sinh thái rừng ngập mặn để giảm thiểu ô nhiễm và bệnh tật. Những trang trại tôm quảng canh thả nuôi tôm mật độ thấp phải đạt tiêu chí có khoảng 50% diện tích rừng ngập mặn, chi phí quản lý và vận hành thấp hơn nhiều so với trang trại nuôi thâm canh. Đây là mô hình nuôi bền vững cho người nuôi tôm quy mô nhỏ chiếm đa số trong tổng số các nhà sản xuất tôm.

“Diện tích rừng trên đất của tôi là ít hơn so với yêu cầu 50%. Rất nhiều trong số tôm nuôi của tôi đã chết vì bệnh tật, đặc biệt là trên đất không được bảo vệ bởi rừng ngập mặn. Tôi có thể thấy được những lợi ích to lớn của rừng ngập mặn trong việc nuôi tôm,” anh Van Cong De cho biết. Anh Van, là một trong tổng số 35 hộ nông dân tham gia vào dự án MAM đã được hỗ trợ các phương pháp canh tác mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, các trại nuôi tôm truyền thống không có năng suất cao như mô hình nuôi thâm canh. Do đó, phải có một thị trường ổn định và có thể mang lại lợi nhuận cho nông dân là quan trọng đối với phát triển bền vững và lâu dài của họ. Chứng nhận tôm hữu cơ có thể sử dụng để xuất khẩu sang các thị trường tốt hơn, người nuôi tôm bán được giá cao hơn và tăng cường nuôi tôm quy mô nhỏ. MAM lựa chọn tiêu chuẩn toàn cầu Naturland, nó là chứng nhận hữu cơ phù hợp nhất với một trong những tiêu chí là yêu cầu về bảo tồn rừng ngập mặn. Kể từ khi khởi đầu của dự án trong năm 2012, MAM đã đào tạo hơn 1.300 nông dân về nuôi tôm hữu cơ và phục hồi rừng ngập mặn.

Phương pháp canh tác mới giúp gia tăng năng suất và lợi nhuận một cách bền vững

Với chứng nhận tôm sinh thái, MAM hướng dẫn nông dân trong việc đàm phán một hợp đồng mua bán có lợi với Công ty Minh Phú – Công ty chế biến thủy sản lớn thứ hai thế giới về giá trị xuất khẩu tôm. Với sự hỗ trợ này, nông dân có thể bán tôm của họ với giá cao hơn 10% so với thông thường. Lợi nhuận thu được từ mô hình nuôi tôm kết hợp với rừng ngập mặn trong năm 2013 tăng hơn 1,5 lần so với mô hình nuôi tôm truyền thống không có rừng và mô hình nuôi tôm lúa. Anh Van và nhiều nông dân khác đã nhận ra được giá trị của cách tiếp cận mới trong phương thức canh tác này.

Anh Van cho biết, “Trước đây, nông dân có thể kiếm được 60-70 triệu đồng Việt Nam mỗi năm. Sau khi tham gia dự án này, chúng tôi có thể thu được 150-200 triệu đồng Việt Nam.”

Cooked_shrimp_IMG_5352-1024x682.jpg
SNV và MAM đang đẩy mạnh phát triển dự án này, trong đó nuôi tôm bền vững có thể làm gia tăng lợi ích cho người nông dân trong khi tái phục hồi và gia tăng diện tích rừng ngập mặn – nguồn lưu trữ carbon của thế giới.

Dự án này không chỉ có lợi cho nông dân. Ông Lê Văn Quang, Giám đốc điều hành của Công ty Minh Phú cũng đánh giá cao đóng góp của Dự án này trong sự phát triển của Công ty và đồng thời nó cũng là trách nhiệm của Công ty trong sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm của Việt Nam cũng như bảo vệ và khôi phục diện tích rừng ngập mặn.

“Với tôm chứng nhận sinh thái từ những người nông dân trong khu vực, chúng tôi giám sát quá trình nuôi tôm và bảo vệ rừng. Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ rừng, đồng thời đảm bảo rằng ngành công nghiệp nuôi tôm ở đây sẽ phát triển đủ để cung cấp tôm cho nhà máy của chúng tôi và nhu cầu thị trường toàn cầu,” ông Quang nói.

Một thị trường ổn định và gia tăng thu nhập từ nuôi tôm có chứng nhận sinh thái cung cấp một động lực mạnh mẽ cho tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị tôm để duy trì và bảo tồn rừng ngập mặn.

Nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nước sở tại, lợi ích của dự án MAM chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. SNV đã nhận được sự hỗ trợ liên tục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Việt Nam), Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN), và Tổ chức The Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit GmbH (GIZ) giúp đỡ trong việc ban hành các chính sách quốc gia, cung cấp cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ rừng ngập mặn. Bởi vì nuôi tôm bền vững sẽ làm giảm lượng khí thải carbon do việc phá rừng và suy thoái rừng, chính sách này cũng kết hợp với các dự án khác để tận dụng các khoản tài chính carbon (carbon finance) để tài trợ cho các dự án phục hồi rừng ngập mặn đang diễn ra.

Mở rộng những lợi ích của nuôi tôm bền vững

Dự án MAM tiếp tục thúc đẩy các can thiệp để bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn, trong đó bao gồm cải thiện quản lý rừng dựa vào các tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc về Giảm phát thải từ Phá rừng và Suy thoái rừng (UN REDD+). Ngoài ra, nhóm làm việc của dự án cũng tham khảo các ý kiến về chứng nhận ​​Naturland để có thể kết hợp các tiêu chuẩn cụ thể về carbon vào quá trình chứng nhận sản phẩm tôm sinh thái này. Sự kết hợp này sẽ cho phép nông dân có thể kiếm được các khoản tín dụng carbon* (carbon credits) đối với các khoản tiết kiệm carbon trong chuỗi giá trị sản xuất tôm. Các khoản thu nhập từ tín dụng carbon này sẽ góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân và góp phần vào việc nuôi tôm bền vững. Hơn nữa, các tiêu chuẩn chứng nhận mới sẽ có thêm yêu cầu cụ thể về giảm thiểu biến đổi khí hậu, với sự sản xuất “thấp carbon” trong mô hình tôm rừng, tôm có chứng nhận Naturland sẽ là một lợi thế lớn trên thị trường tôm thế giới.

Qua chuỗi giá trị tôm tại Cà Mau, SNV đang làm việc với các nhà sản xuất, các doanh nghiệp và chính phủ để cải thiện thu nhập cho những người nông dân như Van, khuyến khích họ bảo vệ rừng ngập mặn, và đảm bảo một tương lai bền vững của nghề nuôi tôm. Tran Quoc Van, người đứng đầu của một nhóm nông dân nuôi tôm tham gia vào dự án rất lạc quan trong tương lai. Anh cho biết “Tất cả các nông dân đã mang những gì họ đã học được vào thực tế sản xuất ở các trang trại của họ, vì vậy dự án này đã thực sự mang đến thành công cho chúng tôi. Và với kế hoạch mở rộng phương thức canh tác này để lên 6.000 ha, nó thực sự chỉ là khởi đầu.”

*Ghi chú: Tín dụng carbon là thuật ngữ dùng để chỉ loại giấy phép về lượng khí thải carbon có thể chuyển nhượng giữa các tổ chức hoặc doanh nghiệp. Thị trường tín dụng carbon ra đời do nỗ lực của thế giới nhằm hạn chế ảnh hưởng của khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang là mối đe dọa lớn của sinh quyển trái đất. Lượng CO2 sinh ra từ các ngành công nghiệp sản xuất và năng lượng đã quá lớn trên thế giới ngày nay và tín dụng carbon được cho là có khả năng kiềm chế lượng khí thải vượt quá mức cho phép vào trong bầu khí quyển. Một tín dụng carbon tương ứng với một tấn khí thải CO2 hoặc những loại khí có hàm lượng CO2 tương ứng. Ví dụ, nếu doanh nghiệp A chỉ được cấp hạn ngạch 50.000 tấn khí CO2 nhưng có nhu cầu thải 70.000 tấn, thì doanh nghiệp này có thể mua trên thị trường thêm tín dụng từ doanh nghiệp khác không có nhu cầu sử dụng hết lượng hạn ngạch được cấp. Theo Nghị định thư Kyoto, lượng hạn ngạch khí thải gây hiệu ứng nhà kính được đưa ra trong Phụ lục B dành cho các nước phát triển được liệt kê trong Phụ lục 1.

Theo New Global Citizen, 23/10/2014

Ý kiến của bạn