Cá mập nổi tiếng với biệt danh “sát thủ đại dương” với khả năng săn mồi lạnh lùng, tuy nhiên những nghiên cứu mới cho thấy nhiều loài cá mập đôi khi cũng nhút nhát và phải sống theo bầy đàn để tránh sự tấn công của những loài cá ăn thịt khác.
Các nhà khoa học của trường Đại học Exeter (Anh) đã thực hiện một thí nghiệm để kiếm tra tính cách xã hội của loài cá mập bằng cách ghi lại sự tương tác của các cá thể trong nhóm cá mập mèo (cá nhám mèo, họ cá mập lớn nhất hiện nay với hơn 150 loài) được nuôi trong 3 môi trường sống khác nhau.
Họ cá mập mèo thường được tìm thấy trên khắp miền đông bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải và thường sống thành từng nhóm hỗn hợp giới tính.
Mười nhóm cá mập mèo chưa trưởng thành được các nhà khoa học nuôi trong một bẻ nước lớn, được phân chia thành 3 môi trường khác nhau về mức độ phức tạp về cấu trúc.
Cá mập mèo (catshark) chưa trưởng thành sống theo nhóm để tránh sự tấn công của các loài cá lớn khác.
Nghiên cứu 10 nhóm cá mập này, các nhà khoa học nhận thấy rằng mặc dù kích thước các nhóm cá có sự khác biệt, nhưng các cá thể sống trong từng nhóm vẫn giữ những vị trí nhất định, mặc dù có sự khác biệt về môi trường sống.
“Nói cách khác, vị trí xã hội của các cá thể cá mập vẫn được giữ nguyên theo thời gian và qua các môi trường sống khác nhau”, Tiến sĩ David Jacoby, một nhà sinh thái học thuộc Hội Động vật học London, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng cá mập mèo được kết nối với nhau thành từng nhóm, điều này giúp loài cá mập này có thể sống an toàn trong môi trường tự nhiên. Trong khi đó, với những cá thể cá mập mèo ít có xu hướng xã hội và sống một mình, chúng thường sử dụng biện pháp ngụy trang, lẫn trốn trong những bãi sỏi dưới đáy bể phù hợp với màu da của mình để tránh bị tấn công.
Cá mập chanh (lemon shark) nổi tiếng là loài hung hăng và máu lạnh, tuy nhiên có nhiều cá thể cũng rất “nhút nhát”.
“Trong cuộc sống tự nhiên, các loài cá con thường là con mồi của các loài cá lớn hơn, bao gồm cả cá mập con. Có nhiều biện pháp khác nhau được các loài cá chống lại động vật ăn thịt, và sống theo từng nhóm là một biến pháp của loài cá mập mèo”, Giáo sư Darren Croft của Trung tâm nghiên cứu hành vi động vật của Đại học Exeter cho biết.
“Cần có thêm nghiên nghiên cứu và thử nghiệm thực tế để xác định sự ảnh hưởng của động vật ăn thịt đến đặc điểm xã hội của cá mập. Tuy nhiên nghiên cứu này đã mở ra bước đầu của hướng nghiên cứu này”, Giáo sư Croft cho biết thêm.
Nghiên cứu của các nhà khoa học trường Đại học Exeter được thực hiện sau một nghiên cứu tương tự được thực hiện năm ngoái bởi các nhà sinh vật học của quần đảo Bahamas. Nghiên cứu này chỉ ra rằng trong khi một số cá thể thuộc loài cá mập chanh rất hung hăng, trong khi một số cá thể cá mập chanh khác lại rất “ngọt ngào” và thậm chí là nhút nhát.
Theo Báo điện tử Dân Trí, 04/10/2014