Đồng hành cùng nhà nông: Cách nuôi ba ba gai hiệu quả

Ba ba gai là một trong những mặt hàng thương phẩm đang được người tiêu dùng ưa chuộng, nên nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu nuôi. Nuôi ba ba gai không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả kinh tế cao cần phải áp dụng đúng kỹ thuật về ao bể nuôi, chất lượng nguồn thức ăn cũng như tuân thủ quá trình tuyển chọn giống gắt gao.

Anh Trần Công Sơn ở xã Thanh Mỹ (Thanh Chương) là người có nhiều năm nuôi ba ba gai. Anh cho biết! để nuôi ba ba gai hiệu quả, trước hết, việc tuyển chọn ba ba giống phải đảm bảo nhiều tiêu chí. Ba ba giống phải có ngoại hình mập, da bóng, không bị dị tật hay nhiễm bệnh. Cách nhận biết ba ba khỏe mạnh là khi lật ngửa nó tự lật sấp lại được ngay, còn nếu ba ba thả xuống đất mà bò chậm, cổ rụt không hết thì đó là dấu hiệu cho thấy ba ba kém chất lượng. Anh Sơn cho biết thêm: “Đối với việc chọn lựa những con ba ba bố mẹ cần xem xét đến nhiều yếu tố, đặc biệt là không đồng huyết thống để con giống đảm bảo chất lượng”.

Theo anh Sơn, nuôi ba ba gai không quá khó, chỉ cần đảm bảo đúng các yếu tố kỹ thuật thì sẽ mang lại năng suất cao. Hiện nay, trong hệ thống các bể nuôi của anh luôn có từ 500 – 600 con ba ba, trong đó có 20 con ba ba bố mẹ có trọng lượng khoảng 7 -10 kg/con, các con ba ba khác bán thịt có trọng lượng từ 1,2 – 1, 5 kg. Nhờ việc có thể tự nhân giống và cho ấp thường xuyên nên gia đình anh Sơn luôn có ba ba bán quanh năm, cả ba ba thịt lẫn ba ba giống. Trên thị trường hiện nay, ba ba thịt có giá từ 570.000 – 600.000 đồng/kg, ba ba giống (3 ngày tuổi) giá 200.000 đồng/con. Nguồn thu nhập của gia đình anh từ việc nuôi và nhân giống ba ba ước tính hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Về thức ăn nuôi ba ba cần đảm bảo chất lượng. Thức ăn nuôi ba ba chủ yếu là từ cá, thịt; lượng thức ăn mỗi ngày dao động từ 3 – 5% trọng lượng của ba ba, trung bình cứ 1 kg ba ba thịt cần 17 – 18 kg thức ăn. Thời gian từ tháng 4 đến tháng 11 là thời gian ba ba sinh trưởng nhanh nên cần chú ý cho ba ba ăn đầy đủ. Giống ba ba gai hợp với khí hậu miền Nam, thời tiết 20 độ trở lên mới ăn, với thời tiết miền Trung trong 3 tháng mùa Đông, ba ba chỉ nằm dưới bùn mà không ăn. Những ngày thời tiết mát mẻ, ba ba ăn khoẻ hơn nên có thể tăng thêm 5% khẩu phần; khi trời nóng lượng thức ăn giảm 2-3%. Đối với ba ba còn nhỏ, thức ăn cần luộc qua để chúng có thể tiêu hóa tốt hơn.

Ba ba gai khá khỏe mạnh, ít bệnh dịch, tuy nhiên, cũng cần phải chú ý phòng bệnh cho ba ba. Mỗi tháng khoảng 2 lần, trộn lẫn cám cùng với thuốc phòng dịch để cho ba ba ăn. Ngoài ra, ao, bể nuôi phải được xây dựng đúng chuẩn. Ba ba gai có thể nuôi trong ao hay bể xi măng, diện tích ao tùy thuộc vào mật độ thả nuôi, nhưng phải đảm bảo mật độ 0,5 – 2 con/m2, độ sâu mức nước ao từ 1,5 – 2m, đáy ao cần xây dựng sao cho có độ nghiêng dần về cống thoát nước, góc ao phải có lối cho ba ba bò lên khu đất trống để phơi nắng khi cần thiết. Phải đảm bảo nước trong ao, bể luôn sạch, vào mùa Đông nên chú ý để bèo nhiều giúp hút chất bẩn trong nước và che ấm cho ba ba, vào mùa Hè thì vớt bớt bèo đi, tạo thông thoáng cho ba ba phát triển.

Theo Phương Thảo, Báo Nghệ An

6 bình luận trong “Đồng hành cùng nhà nông: Cách nuôi ba ba gai hiệu quả”

Ý kiến của bạn