Kỹ thuật nuôi cá Điêu Hồng

Cá rô phi đỏ (red Tilapia), thường gọi cá điêu hồng được nhập vào nước ta năm 1985 từ Malaysia. Cá rô phi đỏ là loài cá dễ nuôi, nhanh lớn, chất lượng thịt ngon và rất được giới tiêu dùng ưa chuộng. Cá rô phi đỏ có thể sống được cả môi trường nước ngọt và nước lợ, pH từ 5 – 9, thích hợp nhất là 6,8 – 8,3;

nhiệt độ dao động từ 7 – 45 độ C, tốt nhất là từ 25 – 32 độ C. Ở nước ta cá sống nhiều và thích hợp với điều kiện nước ngọt vùng châu thổ sông Mê Kông. Hiện nay giống cá này được gây giống nhân tạo ở hầu hết các cơ sở sản xuất cá giống trong vùng.

1. Điều kiện ao nuôi

– Ao hay ruộng nuôi phải gần sông rạch, có nguồn nước ngọt tốt, thuận lợi cho việc lấy nước và thoát nước.

– Ao nên có hình chữ nhật trên 1.000 m2, sâu trên 1,5 m.

– Bờ bao phải cao hơn đỉnh lũ hàng năm từ 0,5 m trở lên. Mặt bờ trồng được hoa màu, kết hợp trồng cây dây leo như bầu bí, mướp để che mát phía tây, mặt bờ trồng rau muống vừa chống xói mòn, đồng thời là nguồn thức ăn xanh cho cá.

– Cống cần đặt ở đáy ao để rút nước khi thu hoạch hoặc xử lý thuốc, cống điều tiết nước theo thủy triều, khẩu độ cống đảm bảo thay đổi nước theo triều đạt 10 – 15% lượng nước ao trở lên.

2. Kỹ thuật nuôi

– Chuẩn bị ao nuôi: Ao nuôi cần tuân thủ qui trình chuẩn bị ao nuôi. Chú ý ngăn chặn phèn vào ao ở thời kỳ đầu ao mới đào và ở những cơn mưa đầu mùa, đồng thời hạn chế tối đa cá tạp, cá dữ vào ao.

– Mật độ thả nuôi: Tuỳ vào chất lượng ao, nguồn nước cung cấp và khả năng cung cấp thức ăn để quyết định mật độ thả từ 3 – 5 con/m2, cỡ cá giống từ 3 – 7cm.

– Chọn cá giống: Cần chọn cá ăn mạnh, bơi lội khỏe, màu sắc hồng tươi, đồng cỡ. Loại bỏ cá dị hình, màu nhợt nhạt, gầy ốm, bơi lội lạc đàn, cỡ quá nhỏ hoặc qua lớn. Nếu có điều kiện cần tìm nguồn gốc cá bố và mẹ, kỹ thuật sinh sản và ương nuôi của cơ sở sản xuất cá giống để có thêm cơ sở xác định con giống. Tốt nhất là tìm mua cá giống ở các cơ sở cá giống có uy tín.

– Thả cá giống ra ao: Thời điểm thả cá giống tốt nhất là lúc trời mát. Cho túi chứa cá vào nước ao trong 20-30 phút, tạo điều kiện cho cá quen dần với nhiệt độ môi trường nước ao, kết hợp sát trùng cá giống bằng kháng sinh (Aureomycin hoặc Oxytetracylin) nồng độ 10 – 15 phần triệu trong 5 – 10 phút. Sau đó kéo mạnh hai góc đáy túi cho cá ra ao toàn bộ.

– Cho cá ăn: Thức ăn cho cá rô phi đỏ thiên về nguồn gốc thực vật như cám, bắp xay nhỏ, bã đậu, bèo tấm, rau muống và thức ăn viên dạng nổi có hàm lượng đạm cao từ 28 – 32%. Thức ăn cần được nấu chín, nhồi dẻo tạo dạng viên cho vào sàn ăn (sàn ăn có kích thước 1 X 1 m, đặt cách mặt nước 0,4 – 0,5 m, tùy theo ao nhỏ hay lớn mà bố trí 2 – 4 điểm cho ăn). Nếu có điều kiện làm chòi cho cá ăn thì tốt hơn.

– Riêng rau muống, bèo ngoài phần nấu chín trong hỗn hợp thức ăn còn có thể cho ăn tươi rất tốt. Rau muống, bèo cần chặt nhỏ bằng miệng cá nuôi. Cho cá ăn ngày 2 lần vào 8 – 9 giờ sáng và 5 – 6 giờ chiều. Ngoài thức ăn thực vật thì cần bổ sung thức ăn viên công nghiệp. Khẩu phần ăn ở 3 tháng đầu là 5 – 8% trọng lượng cá nuôi, các tháng về sau giảm dần đến 2 – 3% trọng lượng cá. Chú ý kiểm tra thức ăn trên sàn để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho thích hợp, tránh tình trạng thừa, thiếu thức ăn. Kết hợp làm vệ sinh sàn ăn và nơi ăn trong ngày.

3. Quản lý chăm sóc

– Kiểm tra nước: Đảm bảo độ sâu nước ao tối thiểu 1 m, nước có màu xanh nõn chuối, vàng nhẹ phù hợp với cá nuôi; nếu nước có màu tối, xám xịt có nhiều hữu cơ, khí độc sẽ gây hại cho cá nuôi; nước trong veo hoặc có váng phèn lớp mặt và tích tụ đáy ao cũng gây hại cho cá. Vào các tháng có nhiệt độ cao, oi bức kéo dài dễ gây hiện tượng cá sốc nhiệt độ, đồng thời chất hữu cơ phân hủy nhanh, tiêu tốn nhiều dưỡng khí và thải ra ao hồ nhiều loại khí độc. Trong những điều kiện như vậy, ao nuôi cá phải bổ sung nước định kỳ 5 – 7 ngày/lần, mỗi lần 15 – 20% lượng nước ao hoặc tháo bỏ 1/3 nước ao và bơm nước mới vào.

– Trong quá trình nuôi cá, nếu thấy bờ ao có hiện tượng nhiều phèn, phải chặn phèn sớm trước những cơn mưa đầu mùa (có thể cuốc bờ bón vôi hoặc bón vôi trực tiếp lên mặt bờ từ 10 – 15 kg vôi/100 m2. Theo dõi diệt cá lóc, cá trê, lươn bằng các dụng cụ thích hợp như câu cắm, câu lươn, hay dùng lá xoan nhét vào hang hốc.

– Kiểm tra tu bổ cống bọng, lấp kín các nơi rò rỉ, hang hốc.

– Theo dõi tình trạng ăn mồi (mạnh hay yếu), bơi lội (theo đàn hay tách đàn), màu sắc cá (bình thường theo đặc trưng loài hay biến màu), những biểu hiện bất thường cho ta dấu hiệu cá suy yếu, cá chết vài con đến nhiều con trong ngày. Các trường hợp này cần nhờ cán bộ thủy sản xem xét và có hướng dẫn điều trị cụ thể.

4. Phòng và trị bệnh

a) Bệnh do ký sinh trùng

– Các bệnh do ngoại ký sinh trùng có tác động mạnh đến cá con trong quá trình ương. Thực tế cho thấy nhiều cơ sở ương giống có tỷ lệ hao hụt từ 50 – 70% chủ yếu là do cá con bị bệnh đốm trắng (trùng quả dưa tấn công), bệnh do trùng mặt trời và tà quản trùng, bệnh do sán lá đơn chủ, bệnh do giáp xác ký sinh (Argulus và Ergasilus).

– Cách phòng trị: Ao ương và nuôi cá phải có sục khí. Khi phát hiện cá bị bệnh cần bón: Formol nồng độ 25 – 30 ml/m3, trị thời gian dài và nồng độ từ 100 – 150 ml/m3 nếu trị trong 15 – 30 phút; CuSO4 (phèn xanh) nồng độ 2 – 5 g/m3 trị thời gian dài và từ 20 – 50 g/m3 trong thời gian 15 – 30 phút, cách này trị một lần; muối ăn để phòng trị bệnh cho cá, nồng độ 1% trị thời gian dài và 1 – 2% trong 10 – 15 phút.

b) Bệnh xuất huyết

– Bệnh do vi khuẩn Aemomas hydrophia hoặc Edwardsiella tarda gây ra. Cá có dấu hiệu toàn thân xuất huyết, hậu môn sưng lồi, bụng trương to, có dịch vàng hoặc hồng, đầu và mắt cá sưng và lồi ra. Bệnh thường xuất hiện với cá rô phi đỏ nuôi bè.

– Biện pháp đề phòng là tránh thả cá nuôi và hạn chế thay nước lúc giao mùa. Nên định kỳ bón và khử trùng nơi cho cá ăn. Cách trị là bón vôi và khử trùng nước, có thể trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cá, tỷ lệ tuỳ theo tình trạng bệnh.

c) Cá trương bụng do thức ăn

Thường xảy ra ở các ao, bè do cá ăn thức ăn tự chế không được nấu chín, không đảm bảo chất lượng làm cá không tiêu hóa được thức ăn, bụng cá trương to, ruột chứa nhiều hơi. Cá bơi lờ đờ và chết rải rác.
Biện pháp khắc phục là kiểm tra chất lượng và thành phần thức ăn để điều chỉnh lại cho thích hợp. Nếu trường hợp nặng, thường xuyên có thể thay đổi thức ăn. Trong thức ăn nên bổ sung men tiêu hóa (các probiotie…).

d) Cá chết do mật độ nuôi thả dày

Hiện tượng này thường xảy ra ở các ao, bè nuôi thâm canh với mật độ quá dày. Cá chết không có dấu hiệu bệnh lý, chỉ nổi lờ đờ và chết hàng loạt. Tỷ lệ cá chết phụ thuộc vào mật độ và chất lượng nước. Mật độ thích hợp để nuôi cá thịt là 100 – 120 con/m3 nước có thể gây chết đột ngột lúc giao nước hoặc sau những cơn mưa lớn. Vì thế cần nuôi với mật độ vừa phải (50 – 70 con/m3 nước) và chất lượng nước phải sạch.

5. Thu hoạch

Thời gian nuôi từ 4 – 5 tháng là thu hoạch được, đến giai đoạn này cá đạt trọng lượng trung bình 0,5 – 0,6 kg/con, nếu có điều kiện nuôi tiếp đến tháng thứ 9 – 10 thì trọng lượng cá đạt khoảng 1 kg/con.

Theo Ky Thuat Nuoi Trong

2 bình luận trong “Kỹ thuật nuôi cá Điêu Hồng”

  1. Mình hiện tại đang ở Bắc Ninh và đang mong muốn nuôi cá diêu hồng. Bạn có thể chỉ giúp mình địa chỉ nào bán giống cá diêu hồng uy tín, chất lượng gần Bắc Ninh với !
    Thank you

  2. Bạn có nhu cầu hay gọi tới a quảng ô hải dương. Chuyên cung cấp ca giống điêu hồng chất lượng. 0975866591 hoặc 0974581076

Ý kiến của bạn