Cá lăng chấm nuôi thương phẩm trong ao nước chảy

Cá lăng chấm là loài cá sông có giá trị kinh tế cao, ngoài kỹ thuật nuôi trong lồng bè và ao nước tĩnh thì nuôi cá trong ao nước chảy cũng là một phương thức nuôi hiệu quả.

Tập tính sống của cá

Cá lăng chấm thường sống ở tầng đáy các vùng nước sâu của suối, hồ và sông lớn nhiều phù sa, nước chảy chậm, nền đáy cát mịn, hàm lượng ôxy hòa tan cao. Đây là loài cá dữ, khi nhỏ cá ăn ấu trùng, côn trùng, giun ít tơ, rễ cây… lớn lên ăn cá con, tôm cua, rong rêu… Cá thành thục sau 3 – 4 năm, trọng lượng 1,5 – 2,7 kg, cá đực có kích thước lớn hơn cá cái. Mùa sinh sản chính từ tháng 4 đến tháng 6. Khi sinh sản, cá di cư lên vùng trung và thượng lưu các sông, nơi nước chảy, đáy nhiều sỏi đá. Cá đẻ trứng trong hang đá chìm, hốc ngầm tự nhiên hoặc tự đào hố ở ven bờ, cá bố mẹ có tập tính chăm sóc con.

Hiện, có nhiều cơ sở sản xuất giống đã sinh sản nhân tạo loài cá này và nuôi thương phẩm thành công trong ao. Đây là loài cá có tốc độ sinh trưởng tương đối chậm (0, 4 – 0,6 kg/con/năm). Với đặc tính thích ăn mồi sống nên khi nuôi trong ao nước tĩnh cá hay mắc các bệnh nấm và ký sinh trùng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng của cá.

Chuẩn bị ao nuôi

Nên chọn địa điểm gần sông, suối, hồ, nơi có nguồn nước chảy quanh năm. Diện tích từ 500 m2 trở lên và nước lưu thông liên tục. Ao có độ sâu tối thiểu 1,5 m, nền đáy cát hoặc đất thịt pha cát, độ dày bùn đáy 15 – 20 cm, pH 6,5 – 8. Bờ ao có thể là bờ đất hoặc được xây kè kiên cố.

Sau khi tháo cạn ao, cần thu dọn hết các cây cỏ, vét bớt bùn đáy, san đáy dốc về cống thoát nước. Nếu đáy ao bị chua phèn thì tăng lượng vôi tẩy ao lên 15 – 20 kg/100 m2, vôi được hòa lẫn vào bùn để diệt khuẩn và trung hòa pH đáy. Gia cố bờ ao và chắn lưới thưa hoặc phên ở cống cấp và thoát nước để ngăn cá không thoát ra ngoài theo nước. Sau đó tiến hành cấp nước, mực nước từ 1 m trở lên.

Thả giống

Cá giống thả nuôi phải khỏe mạnh, không bị bệnh tật, dị hình; cá có màu ghi sẫm, cỡ trung bình 20 g/con (50 con/kg). Có thể dùng một lượng cá nhỏ thử độ an toàn của nước, nếu sau 30 phút cá vẫn hoạt động bình thường thì tiến hành thả đồng loạt. Cá trước khi thả được tắm qua nước muối (NaCl) 3% để phòng bệnh. Khi thả, chú ý cân bằng các yếu tố môi trường để tránh gây sốc cho cá. Nên thả cá vào sáng sớm hoặc chiều mát để đảm bảo nhiệt độ nước 28 – 300C, mật độ 2 – 3 con/m2.

Chăm sóc

Sau khi thả cá 1 ngày thì cho cá ăn, thức ăn giai đoạn đầu là các loại cá nhỏ được cắt khúc vừa với miệng cá và bổ sung thêm thức ăn giàu đạm như giun quế, tôm nhỏ… liều lượng bằng 5 – 7% khối lượng cá trong ao. Cần bổ sung thêm Vitamin C và khoáng vào thức ăn để tăng sức đề kháng của cá.

Thức ăn trong ngày được chia làm 2 cữ (8 h và 16 h), khi cho ăn nên bỏ thức ăn vào sàng tại 3 – 4 điểm trong ao; sàng có diện tích 1 m2 được đặt cách đáy ao 10 – 20 cm. Sau khi cho cá ăn 2 giờ nên kiểm tra sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau. Thức ăn tươi cho cá cần bảo quản đông lạnh để tránh ôi thiu.

Sau 1,5 – 2 tháng nuôi, cần luyện dần cho cá ăn thức ăn tự chế hoặc thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm cao. Thức ăn tự chế gồm bột cám, ngô, sắn trộn đều với cá nghiền theo tỷ lệ 1/1, ép thành viên, sau đó sấy khô và bảo quản cho cá ăn dần. Hàng tháng cần bắt cá lên cân cá và ước lượng khối lượng cá trong ao để tính toán ra lượng thức ăn chính xác.

Điều chỉnh thường xuyên nước chảy vào ra trong ao nuôi để duy trì lượng ôxy hòa tan > 4 mg/l, không nên cho nước chảy mạnh quá tránh đục nước ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cá.

Thường xuyên treo túi vôi bột cạnh sàn ăn của cá với liều lượng 2 – 4 kg/túi. Khi cá có dấu hiệu ăn ít hoặc bỏ ăn, chết rải rác trong ao thì cần vớt lên quan sát dấu hiệu bệnh để có biện pháp chữa trị kịp thời.

Mùa đông, khi nhiệt độ hạ thấp cá ăn ít nên giảm lượng thức ăn, tăng mực nước lên 1,5 – 1,8 m và giảm cấp nước vào ao để giữ ấm cho cá.

Thu hoạch

Sau 2 – 3 năm, cá lăng chấm mới cho thu hoạch, trọng lượng đạt 1,5 – 2 kg/con. Tỷ lệ sống 80%, hệ số thức ăn 8 – 10 kg cá tạp/kg cá thương phẩm, năng suất 8 – 10 tấn/ ha, trừ chi phí mang lại lợi nhuận khoảng 600 – 800 triệu đồng/ha.

Cá lăng chấm có tốc độ sinh trưởng chậm và khó chủ động về nguồn thức ăn tươi sống, trong quá trình nuôi cá hay bị nhiễm nấm và ký sinh trùng. Do vậy, để nuôi hiệu quả loài cá này, đòi hỏi người nuôi phải có điều kiện kinh tế và kinh nghiệm.

Theo Nguyễn Quang Chương, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 29/08/2014

Ý kiến của bạn