Kỹ thuật sinh sản và nuôi thương phẩm cá lóc

Nuôi cá lóc có thể đầu tư ở các mức độ khác nhau, không nhất thiết cần nhiều diện tích; người nuôi có thể đầu tư ở mức độ sản xuất thâm canh nhưng cũng có thể sử dụng các ao nhỏ hoặc nuôi trong bè, giai, bể xi măng hoặc lót bạt.

Vì thế, nghề nuôi cá lóc vừa phù hợp với những hộ nghèo nguồn vốn đầu tư ít, vừa phù hợp với các doanh nghiệp đầu tư nuôi với quy mô trang trại. Đây vừa là mô hình nuôi góp phần xóa đói giảm nghèo, vừa là mô hình làm giàu cho các doanh nghiêp của Việt Nam, nên cần được đầu tư phát triển và nhân rộng.

A. Kỹ thuật sinh sản và ương ấp

I. Một số đặc điểm của cá lóc

– Cá lóc thường sống ở đồng ruộng, sông, kênh rạch và có khả năng thích ứng cao với sự biến động về nhiệt độ nước của môi trường.

– Thức ăn ưa thích là động vật và thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của cá.

– Cá lóc là loài có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, trong điều kiện nuôi tốt thì sau 6 – 8 tháng cá có thể đạt 0,5 – 1,2 kg/con; cá cái thường lớn nhanh hơn cá đực.

– Cá lóc đẻ lần đầu khoảng 5 – 6 tháng tuổi, tốt nhất ở giai đoạn 1 – 4 tuổi, sinh sản tập trung từ tháng 4 – 8 và có tập tính bảo vệ trứng và cá con.

II. Nuôi vỗ cá lóc trong ao

– Diện tích ao: 200 – 1.000m2, mật độ: 40-50 kg/100m2

– Thức ăn: Nếu dùng cá tạp, phế phẩm lò mổ, khẩu phần 5 – 7% khối lượng/ngày. Nếu dùng thức ăn viên (đảm bảo 45% đạm) 1,5-2% khối lượng cá/ngày.

– Nuôi khoảng 45 – 60 ngày cá thành thục.

– Chọn cá bố mẹ: Cá đực cơ thể thon, bụng nhỏ, màu sắc rõ các vạch trên thân, không xây sát. Cá cái: bụng to, mềm, lỗ sinh dục màu hồng, lồi, trứng vàng rơm, bóng, đều.

III. Cho cá lóc đẻ và ấp trứng

1. Cho cá đẻ tự nhiên trong ao

– Có thể đào hố đất nhỏ (2-4 m2), độ sâu 0,8-1,2m, có nguồn nước cấp vào ao đẻ. Mặt hố có thể thả ít bèo, rau muống hoặc làm vỉ che nắng. Mật độ 1 cặp/1 ao (1 đực, 1 cái).

– Nếu sử dụng ao to cho cá lóc đẻ cần tiến hành như sau:

+ Cải tạo ao, vét bùn, rải vôi, phơi đáy.

+ Lấy nước vào ao, để lắng trong 3-5 ngày. Duy trì mực nước 0,8-1m.

+ Làm tổ cho cá đẻ bằng lá dừa cắm xuống ao hoặc rau, bèo, mỗi tổ cách nhau 3-4m, cắm cách đáy 0,3-0,5m. Để sẵn trong tổ rau muống, rơm rạ để giữ trứng khi cá đẻ.

2. Kích thích cá lóc đẻ bằng phương pháp nhân tạo

– Yêu cầu: Chọn cá chính xác, đặc biệt cá đực; kích thích tố có hoạt tính cao.

– Đối với cá đực: Tiêm trước cá cái 8-10 tiếng, liều lượng: HCG 3.000 – 4.000 UI/kg hoặc tiêm cùng với lần tiêm thứ nhất của cá cái.

– Đối với cá cái: tiêm 2 lần:

+ Liều 1: 500 – 1.000 UI/kg cá cái.

+ Liều 2: tiêm sau lần 7 – 8 giờ tiếp tiêm lần 2: liều lượng: 3 – 5 não + 3.000 – 4.000 HCG UI/kg cá cái.

+ Sau 12 – 15 giờ cá sẽ đẻ trứng

+ Sau khi tiêm xong, có thể cho cá đẻ trong bể xi măng, bể đất lót bạt hoặc cho cá đẻ dưới ao. Bể đẻ có diện tích 2-3m2, độ sâu 0,3-0,5m; mật độ 1 cặp/1 bể. Nếu cho đẻ dưới ao cần cắm tổ cho cá, các tổ cách nhau 3-4m.

3. Ấp trứng

– Có thể sử dụng nhiều phương tiện sẵn có để ấp trứng cá lóc: thau, bể nhựa,…

– Mực nước: 0,2-0,5m

– Mật độ ấp trứng trung bình: 2.000 trứng/dm2

– Thay nước: 6 giờ/lần

– Nguồn nước ấp: sạch, không nhiễm bẩn và nhiễm bệnh

– Chú ý: loại bỏ trứng ung (có màu trắng đục)

– Sau khi cá nở 2 ngày có thể chuyển cá ra các dụng cụ có diện tích lớn hoặc các ao nhỏ đã được cải tạo đúng kỹ thuật.

Cá lóc giống

IV. Kỹ thuật ương cá lóc

1. Ương trong bể

– Thức ăn:

+ Dùng động vật phù du hoặc trứng đã luộc chín đánh tan trong nước cho cá ăn.

+ Cho ăn 4-6 lần/ngày.

+ Lượng cho ăn: thỏa mãn nhu cầu

– Mật độ ương: 2.000-4.000 con/m2.

– Sau 30 ngày, san thưa còn 1.000-2.000 con/m2

– Mực nước: 0,5-0,8m.

– Ngày thay nước 2-4 lần, mỗi lần thay 30% thể tích nước.

– Sau khoảng 10 ngày ương, tập cho cá ăn tép, cá nhỏ băm nát.

2. Ương trong giai/vèo

– Yêu cầu: loại lưới mùng mắt nhỏ cá bột không lọt. Nước ao sạch, mát.

– Mật độ: 10.000-20.000/m2 sau 1 tháng san thưa còn 5.000-10.000 con/m2

– Thức ăn: tương tự như ương trong bể xi-măng, bể nhựa.

– Sau khoảng 10 ngày ương, tập cho cá ăn tép, cá nhỏ băm nát.

B Nuôi cá Lóc thương phẩm

1. Nuôi cá Lóc trong giai đặt trong ao đất

– Thông thường mùa vụ nuôi tập trung từ tháng 5 – 9, trong đó tập trung nhiều nhất vào tháng 7 và tháng 8.

– Giống cá Lóc chọn thả nuôi phải có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, nhiều nhớt, không bị thương tích hay bệnh tật. Cỡ cá giống phải đạt từ 20 – 30g/con, mật độ thả từ 80 – 100 con/m3 là tốt nhất.

a) Thức ăn

– Thành phần thức ăn
Cá Lóc là loài cá ăn động vật, thành phần thức ăn bao gồm nhiều loại động vật tươi sống như: cá, tép, ếch nhái… Trong quá trình nuôi, có thể tập luyện cá giống quen dần với loại thức ăn chế biến từ cá nguồn nguyên liệu địa phương như cá tạp, tấm cám, bắp, và vitamin…có hàm lượng đạm cao hơn 20 % hoặc sử dụng thức ăn công nghiệp hay thức ăn tự chế biến để nuôi cá.

– Khẩu phần ăn
+ Khẩu phần thức ăn từ 5-15% trọng lượng cá. Khẩu phần này được điều chỉnh tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng, tình hình sức khỏe và các giai đoạn phát triển của cá.
+ Thông thường ở thời điểm mới thả giống, do kích thước cá còn nhỏ, thức ăn cần được xay nhuyễn; đến khi cá lớn, thức ăn có thể cung cấp trực tiếp. Việc dùng sàn cho cá ăn được khẳng định mang lại hiệu quả cao trong quá trình nuôi.

b) Chăm sóc và quản lý

Hoạt động chăm sóc và quản lý cá Lóc cần phải được thực hiện thường xuyên. Các hoạt động này bao gồm: kiểm tra giai (hệ thống dây, lưới…) và tình hình sức khỏe của cá nuôi, vệ sinh giai tránh rong bám nhiều ô nhiễm môi trường nuôi.

c) Thu hoạch

Thời gian nuôi cá Lóc thường ít nhất là 6 tháng, thông thường là 7 – 8 tháng. Trọng lượng cá khi thu hoạch có thể đạt kích cỡ trung bình 0,5 – 1,5 kg/con. Trước khi thu hoạch 1 – 2 ngày không nên cho cá ăn. Khi thu hoạch có thể dùng vợt vớt cá.

2. Kỹ thuật nuôi cá Lóc trong ao đất

a) Chuẩn bị ao

– Diện tích ao: 100 – 1.000 m2, độ sâu: 1,5 – 2 m, nhiệt độ 23 – 32oC, pH từ 6 – 8.

– Ao được cải tạo, dọn dẹp môi trường xung quanh, cống bọng chắc chắn. Bờ bao phải cao hơn đỉnh lủ cao nhất 0,5m. Dùng lưới chắn hoặc đăng tre cao 0,8 – 1m để tránh cá nhảy ra ngoài.

b) Mật độ thả nuôi

Mật độ nuôi trung bình 15 – 30 con/m2, không nên nuôi quá dày ảnh hưởng đến sức lớn của cá

c) Cho ăn và quản lý chăm sóc

– Thức ăn giống như ở nuôi cá trong giai, khẩu phần ăn 5-10 % trọng lượng cá.

– Dùng sàn để cho cá ăn và dễ theo dõi cá. Ngày cho ăn hai lần vào buổi sáng và buổi chiều.

– Thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình nuôi và hoạt động của cá. Theo dõi sự biến động chất lượng nước trong ao nuôi, cần giữ nước sạch, định kỳ 2 – 3 tuần thay nước một lần. Nếu có điều kiện thì cho nước lưu thông nhẹ thường xuyên.

d) Thu hoạch

Hạ mực nước ao còn khoảng 40 – 50 cm lấy lưới kéo đánh bắt dần. Khi thu hoạch toàn bộ thì phải tát cạn. Chu kỳ nuôi kéo dài ít nhất là 6 tháng, trọng lượng trung bình 0,5 – 1 kg/con.

Theo Minh Anh, Trung tâm Khuyến Nông Quốc Gia, 01/01/1970

3 bình luận trong “Kỹ thuật sinh sản và nuôi thương phẩm cá lóc”

Ý kiến của bạn