Phòng ngừa khí độc H2S gây hại tôm

Theo các nhà khoa học, khí H2S luôn hiện diện trong ao nuôi và gây chết tôm hàng đêm. Vì vậy, việc ngăn chặn khí H2S được xem là giải pháp quan trọng để phòng ngừa tôm nuôi bị thiệt hại.

Khí độc H2S được sinh ra từ vi khuẩn tiêu thụ muối sulphate phân hủy các chất hữu cơ trong điều kiện yếm khí (không có ôxy) dưới nước hoặc trong điều kiện ẩm ướt. Đáy ao, bùn và các chất thải tích tụ trong ao nuôi tôm là nơi sinh ra khí H2S.

Nguyên nhân sinh ra khí H2S là do tảo đáy phát triển và ngăn ánh sáng chiếu xuống đáy ao làm cho tảo đáy chết, dẫn đến sản sinh ra khí H2S. Ao đáy cát hoặc đất xốp và ao có mực nước sâu thiếu ôxy sẽ tạo điều kiện yếm khí dẫn đến việc sản sinh khí H2S. Đồng thời ao có nhiều chất hữu cơ lơ lửng; ao lót bạt bị rò rỉ, chất hữu cơ sẽ đi qua lớp bạt, vào môi trường thiếu ôxy, sinh ra khí H2S; ao có nhiều thức ăn thừa, tảo tàn, ao có phèn với độ pH thấp, có nhiều chất hữu cơ cũng tạo điều kiện sinh ra khí H2S.

Tác hại đầu tiên là khí H2S ngăn cản tôm lấy ôxy. Khi tiếp xúc nồng độ khí H2S thấp trong thời gian ngắn, tôm sẽ yếu đi, bơi chậm chạp và dễ bị tổn thương. Với nồng độ H2S cao, tôm sẽ chết hàng loạt ngay cả khi tiếp xúc trong thời gian ngắn. Khí H2S cũng có thể phá hủy các mô bằng cách gây tổn thương các mô mềm ở mang, ruột, thành dạ dày và gan tụy. Khí H2S còn làm tôm stress và giảm sức đề kháng.

Để ngăn chặn khí H2S, bà con cần cho tôm ăn đúng lượng; cắt giảm 30 – 40% lượng thức ăn tối thiểu trong vòng 3 ngày cho đến khi các điều kiện trở lại bình thường; ngưng cho tôm ăn khi có mưa; cắt giảm 50 – 60% thức ăn khi tảo tàn. Bên cạnh đó, tăng cường quạt nước, sục khí, luôn đảm bảo ôxy hòa tan trong ao nuôi tôm trên 3ppm lúc 3 giờ sáng; thay nước và sử dụng vi sinh định kỳ; giám sát chất hữu cơ trong ao nuôi; giữ độ pH từ 7,8 – 8,3 trong vụ nuôi; chênh lệch pH hàng ngày phải nhỏ hơn 0,4. Bà con cần tránh nuôi tôm trong đất xốp, cát hoặc trong khu vực có phèn; ngăn nước mưa chảy vào ao; sau cơn mưa, bổ sung khoáng vào nước và trộn khoáng vào thức ăn. Sử dụng các vi khuẩn khử khí H2S như Paracoccus pantothrophus…

Theo Hai Lúa, Báo Sóc Trăng, 31/07/2017

Ý kiến của bạn