Nuôi trồng thủy sản tại các địa phương ngày càng phát triển việc kiểm soát dư lượng các chất độc hại trên thủy sản là một trong những vấn đề cấp bách. Công tác này không chỉ đảm bảo chất lượng thủy sản nội địa mà còn đảm bảo một nguồn lợi lớn từ xuất khẩu. Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản (QLCLNS&TS) vừa công bố kết quả kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi.
Dịch bệnh phổ biến trên tôm
Tại các tỉnh Nam Bộ thủy sản được nuôi phổ biến bao gồm: Cá tra, tôm sú, tôm chân trắng, cá rô phi, cá rô đồng, cá lóc, tôm càng xanh. Diện tích nuôi biến động tại một số vùng nhưng không ảnh hưởng đến quy hoạch nuôi trồng thủy sản chung của khu vực. Dịch bệnh chủ yếu là một số bệnh thông thường rải rác ở một số ao nuôi.
Tại khu vực Trung Bộ, thủy sản nuôi chính là tôm chân trắng, tôm sú, cá rô phi đơn tính với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh có phòng trị bệnh. Dịch bệnh xuất hiện chủ yếu trên tôm sú với các bệnh đốm trắng, đầu vàng, đỏ thân, hoại tử gan tụy và do môi trường xảy ra ở các vùng nuôi như Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình); Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị); Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên – Huế) và Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Dịch bệnh của tôm chân trắng như bệnh đốm trắng, đầu vàng, đỏ thân, hoại tử gan tụy, phân trắng xảy ra ở các vùng nuôi như Bố Trạch, Quảng Ninh, Bắc Quảng Bình (tỉnh Quảng Bình); Triệu Phong, Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị); Phú Lộc, Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên – Huế)…
Khu vực Bắc Bộ tình hình dịch bệnh qua báo cáo giám sát vùng tại địa phương, một số vùng nuôi xuất hiện dịch bệnh hoại tử gan, tụy cấp tính đối với tôm nuôi (tỉnh Nam Định); bệnh đốm trắng đối với tôm nuôi (tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh). Các địa phương đã nhanh chóng khoanh vùng dịch, xử lý ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài, thay đổi thất thường ở Hà Tĩnh, Nam Định, Thái Bình… cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường vùng nuôi và sự phát triển của tôm nuôi, có nơi xảy ra tình trạng tôm chết rải rác…
Còn dư lượng chì, thủy ngân, cadmium…
Giám sát thủy sản nuôi cho thấy các chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường tại các tỉnh Trung Bộ phát hiện lượng chì, cadimium, thủy ngân nhưng dưới mức giới hạn tối đa cho phép đối với 3 mẫu tôm tại vùng Bắc Quảng Bình (Quảng Bình), Hải Lăng (Quảng Trị), Thăng Bình 2 (Quảng Nam).
Khu vực Nam Trung Bộ qua kết quả kiểm soát chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường phát hiện dư lượng chì: 7 mẫu, cadmium: 2 mẫu và thủy ngân: 7 mẫu thủy sản nuôi nhưng không vượt giới hạn tối đa cho phép. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn phát hiện dư lượng sulfadiazine vượt giới hạn tối đa cho phép trên tôm sú thương phẩm tại cơ sở nuôi ở ấp Nghĩa Chí (Phước Trung, Gò Công Đông, Tiền Giang). Các mẫu được lấy cũng phát hiện hóa chất kháng sinh cấm sử dụng như Tricholorfon trên tôm chân trắng thương phẩm tại cơ sở nuôi của ấp Lý Hòa Hiệp (Lý Nhơn, Cần Giờ, TPHCM) và phát hiện Leucomalachite green trên tôm chân trắng thương phẩm tại cơ sở nuôi ở Phước Thể (Tuy Phong, Bình Thuận).
Cơ quan chức năng khu vực Bắc Bộ phát hiện 1 mẫu tôm thẻ chân trắng tại Diễn Châu (Nghệ An) có dư lượng Oxytetracycline vượt giới hạn và 1 mẫu tôm thẻ chân trắng tại Nghi Lộc (Nghệ An) có dư lượng kháng sinh cấm Chloramphenicol. Ngoài ra, 1 mẫu tôm thẻ chân trắng cũng được phát hiện tại Giao Thủy (Nam Định) có dư lượng kháng sinh cấm Enrofloxacin.
Ngay sau khi có kết quả giám sát, cơ quan QLCLNS&TS khu vực thông báo với chi cục địa phương để xác định nguyên nhân, triển khai các biện pháp khắc phục.
Theo Báo Lao Động