Hướng tới nuôi trồng không kháng sinh

Theo các chuyên gia, giải pháp sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản giúp phòng bệnh, hỗ trợ tăng trưởng và tăng tỷ lệ sống, cùng đó ngăn chặn sự tích tụ chất thải có nguồn gốc Nitơ trong ao nuôi.

Lịch sử sử dụng chế phẩm sinh học

Trong vài thập kỷ qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã trở thành ngành sản xuất thực phẩm phát triển nhanh nhất thế giới. Nuôi tôm có tốc độ tăng trưởng trung bình 16,8%/năm; tuy nhiên, cùng với việc nuôi tôm ngày càng được mở rộng đã làm tăng mối nguy về dịch bệnh, sự tích tụ của các chất độc và chất thải hữu cơ trong ao. Để đối phó với dịch bệnh, kháng sinh và các biện pháp khử trùng trong canh tác NTTS được sử dụng một cách phổ biến. Điều này làm tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn và dẫn đến giảm hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh đối với điều trị bệnh cho đối tượng thủy sản (Vaseeharan & Ramasamy, 2003). Đồng thời, những biện pháp trên đã tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh (như Vibrio spp.) trong hệ thống nuôi.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, người ta đã tích cực tìm kiếm các biện pháp thay thế để xử lý dịch bệnh và giảm tỷ lệ chết, trong đó, sử dụng các chế phẩm sinh học đang rất được ưa chuộng.

Chế phẩm sinh học được nghiên cứu và ứng dụng trong chăn nuôi từ những năm 1970. Cuối những năm 1980, ấn phẩm đầu tiên về việc kiểm soát sinh học trong NTTS được xuất bản đã thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu về vấn đề này (Verschuere et al., 2000).

Nhu cầu tiêu thụ tôm tăng cao đã khiến nông dân trên khắp châu Á thả giống với mật độ ngày càng cao. Ở Việt Nam, mô hình nuôi tôm thâm canh bắt đầu được áp dụng vào năm 1989. Ngay sau đó, nhiều nông dân chuyển đổi từ nuôi tôm bán thâm canh với mật độ 5 – 15 con/m2 sang nuôi tôm thâm canh với mật độ 70 – 150 con/m2 (Leung & Engle, 2006; Hai et al., 2015). Việc nuôi tôm ở mật độ cao hơn đã gây nhiều vấn đề xấu trong ngành NTTS, vốn dĩ việc áp dụng an toàn sinh học của ngành thủy sản đã khó hơn ngành chăn nuôi.

Sự gia tăng áp lực do dịch bệnh đã khuyến khích các nhà sản xuất tôm tìm kiếm biện pháp điều trị hiệu quả hơn bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất. Ví dụ điển hình trên Hội chứng chết sớm (EMS), hay còn được gọi là bệnh Hoại tử gan tụy cấp (AHPND). EMS lần đầu tiên được báo cáo trên tôm he (Penaeid) ở miền Nam Trung Quốc năm 2010. Bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra. Sau đó, dịch bệnh tương tự được báo cáo ở Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Ngay cả thời điểm hiện tại, EMS vẫn đang tiếp tục tàn phá tôm nuôi. Bệnh rất nguy hiểm đối với ngành nuôi tôm do tôm ở giai đoạn Postlarvae dễ bị nhiễm bệnh trong vòng 20 – 30 ngày sau khi thả và tỷ lệ chết lên tới 100% trong hầu hết các ổ dịch. Tổn thất đối với ngành nuôi tôm châu Á lên đến 1 tỷ USD (theo GAA, 2013).

Có thể thấy, sử dụng các vi sinh vật có lợi thay thế kháng sinh để phòng bệnh trên tôm đã được thử nghiệm bởi nhiều nhà nghiên cứu và các hộ nông dân ở tất cả vùng sản xuất tôm hàng đầu trên thế giới. Các vấn đề về bệnh đã xảy ra cho thấy, mặc dù công nghệ vi sinh được chứng minh là có hiệu quả trong một số môi trường thử nghiệm cụ thể và có kiểm soát, việc ứng dụng rộng rãi như thực hành NTTS tốt vẫn chưa cho kết quả khả quan do thiếu hiệu quả trong hoạt động sản xuất.

Xu hướng hiện tại

Các biện pháp thay thế kháng sinh trong nuôi tôm vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và thử nghiệm. Giải pháp hàng đầu vẫn là kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, xử lý nước, nâng cao chất lượng di truyền trong sản xuất tôm giống, khẩu phần ăn, điều chỉnh tần suất cho ăn, và thời điểm thu hoạch hợp lý. Một trong những chiến lược hiện nay được sử dụng để chống lại dịch bệnh tôm là công nghệ nuôi nước xanh (De Schryver et al., 2014). Đặc điểm của hệ thống này là sự kết hợp hệ vi tảo với hệ vi sinh vật để có thể cạnh tranh các chất dinh dưỡng với vi khuẩn gây bệnh và sản xuất các hợp chất ức chế khả năng sống của chúng (Natrah et al., 2014). Tuy nhiên, dù sử dụng biện pháp nào thì việc áp dụng quản lý tốt trang trại, thức ăn và nước ao nuôi vẫn giúp đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh.

Nếu xem xét trên nhiều phương diện, các nghiên cứu đang tiến hành cho thấy, dịch bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bởi một số phương pháp canh tác thông thường và xu hướng thả mật độ cao, từ đó làm giảm chất lượng nước.

Chất lượng nước nói chung đang ngày một kém đi, không chỉ bởi ảnh hưởng từ ngành NTTS. Sự gia tăng dân số, đặc biệt ở những nơi không có hệ thống xử lý nước thải hiện đại, sẽ tạo nên chất thải hữu cơ cao trong nguồn nước. Một lý do đó là độ mặn tăng do sự biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nông dân vùng ĐBSCL đều bị ảnh hưởng do độ mặn của nước biển tăng lên. Tại Bến Tre, các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ sống gần sông áp dụng biện pháp nuôi luân canh tôm – lúa đã bị thiệt hại trung bình 15 – 30 triệu đồng trong năm 2015.

Biện pháp phổ biến hiện nay là khử trùng toàn bộ nước và đáy ao được cho là có thể tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh (như EMS/AHPND). Ví dụ, Chlorine được sử dụng rộng rãi để khử trùng các trại giống và ao nuôi; tuy nhiên, việc làm này cũng loại bỏ các động vật phù du, một nguồn thức ăn tự nhiên thứ cấp quan trọng cho tôm trước khi thả. Hệ thống “nước sạch” (do khử trùng bằng Chlorine) này cũng dẫn đến sự phát triển của các vi khuẩn có khả năng tăng sinh khối nhanh (các vi khuẩn Vibrio spp.), chúng tái xâm chiếm trong môi trường nước (Attramadal et al., 2012). Chlorine và các biện pháp khử trùng khác làm giảm tổng số các vi khuẩn có khả năng cạnh tranh với dinh dưỡng dư thừa trong ao nuôi. Quá trình này cũng diệt quần thể tảo, do đó làm tăng nguồn thức ăn cho vi khuẩn gây bệnh. Trên thực tế, những điều này là nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của bệnh phát sáng lan rộng vào đầu những năm 1990. Trong tất cả các trường hợp, sự gia tăng Vibrio cơ hội đã được chứng minh có sự xuất hiện trong ao nuôi sau khi khử trùng ao (Lavilla-Pitogo et al., 1998, Bratvold et al., 1999).

Để đối phó với dịch bệnh bùng phát, việc bổ sung các vi sinh đã được đánh giá giúp cải thiện các yếu tố sinh học đối với chất lượng nước. Vấn đề có thể phát sinh khi các sản phẩm này được sử dụng bừa bãi để xử lý chất thải hữu cơ trong ao nuôi. Chúng có thể nhanh chóng làm giảm lượng ôxy hòa tan (DO) trong nước, làm tăng hàm lượng NO2- độc hại và NH4+. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng công nghệ tăng vi sinh và các biện pháp ứng dụng hợp lý sẽ tạo ra một hệ vi sinh có lợi và bền vững trong nước ao.

Việc áp dụng công nghệ vi sinh một cách chính xác, các trang trại NTTS có thể đạt được kết quả mong muốn, làm giảm chất hữu cơ trong khi duy trì lượng các chất độc hại như NO2- và NH3 ở nồng độ thấp. Một hệ thống nước có quần thể vi sinh bền vững cũng sẽ loại bỏ các cơ hội cho vi khuẩn có hại phát triển nhanh (Attramadal, et al., 2012).

BiOWiSH có hai dòng sản phẩm vi sinh tiêu biểu đó là BiOWiSH® AquaFarm và BiOWiSH® MultiBio 3PS. BiOWiSH® AquaFarm là sản phẩm vi sinh xử lý nước thích hợp cho tất cả các hệ thống nuôi thủy sản, bao gồm ao, bể, trại sản xuất giống, ươm vèo hoặc hệ thống nước tuần hoàn; làm giảm và ngăn ngừa sự tích tụ các hợp chất có hại như NH3, NO2 và H2S. BiOWiSH® MultiBio 3PS là chế phẩm bổ sung vào thức ăn cho tôm có chứa các hợp chất ức chế (prebiotic), vi sinh vật hữu ích và các chất được tạo ra từ các vi sinh vật hữu ích (postbiotic) hoạt động cùng nhau để giúp tiêu hóa thức ăn, duy trì sức khỏe ruột tôm và giúp phòng ngừa bệnh.

Theo Jo Ella Barnes, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 01/03/2018

Một bình luận trong “Hướng tới nuôi trồng không kháng sinh”

Ý kiến của bạn