Cá nác hoa – loài nuôi tiềm năng

Cá nác hoa (Boleophthalmus pectinirostric) là loài nước lợ, phân bố chủ yếu ở bãi triều cửa sông, lạch, tại các tỉnh ven biển nước ta. Cá có chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hình dáng và tập tính sống

Cá nác hoa thuộc họ cá thòi lòi (Periophthalmidae), kích thước nhỏ. Cơ thể không có vẩy, hình thuôn dài, nhẵn bóng, đầu to hơn thân không nhiều, có 2 mắt lồi lên phía trên đầu trông như mắt ếch. Thân và vây cá có màu nâu đất và điểm những chấm màu xanh nhạt nên được gọi là cá nác hoa. Vây lưng được chia làm 2 phần, phần trước phát triển hơn phần sau, khi dựng lên trông như cánh buồm. Miệng cá rộng, mang phồng to.

Cá nác hoa phân bố dọc theo các bãi lầy ở cửa sông, không ngập quá 2 m nước. Loài cá này sinh sống trong hang hốc ở bãi lầy. Khi thủy triều xuống thì cá chui ra, nhất là những ngày nắng ráo để kiếm ăn. Cá có khả năng di chuyển trên mặt bùn khá nhanh, gần như chạy nhảy. Nhờ khả năng hô hấp đặc biệt, chúng có thể sống được cả trên cạn và dưới nước.

Cá nác hoa thường đào hang trú ẩn ở các lùm cây, kẹt rễ um tùm, hang sâu với nhiều ngóc ngách. Cá rất nhanh nhẹn trong việc trốn thoát khỏi sự tấn công của kẻ thù. Khi gặp nguy hiểm, cá đực sẽ bảo vệ hang của nó bằng cách di chuyển, há ngoác miệng và giương vây để đe dọa địch thủ. Đây là một loài cá ăn tạp, nghiêng về động vật và có thói quen tranh giành thức ăn.

Sinh trưởng và sinh sản

Khi còn nhỏ, cá nác hoa sử dụng thức ăn là động thực vật phù du, mùn bã hữu cơ, khi lớn ăn các loài giáp xác cỡ nhỏ. Ngoài tự nhiên, cá một năm tuổi có chiều dài 13 cm, trọng lượng 13 – 15 g.

Cá thành thục từ một năm trở lên, mùa sinh sản bắt đầu từ tháng 4 đến 9 đối với các tỉnh miền Bắc và quanh năm đối với các tỉnh miền Nam. Vào mùa sinh sản, cá đực và cái cặp với nhau và tìm các lùm cây dưới nước để sinh sản. Trứng cá đẻ ra sẽ dính vào các giá thể, cá bố mẹ canh giữ ổ trứng cho đến khi nở. Ở điều kiện nhiệt độ 26 – 300C, độ mặn 15 – 20‰, hàm lượng ôxy hòa tan 4 – 5 mg/l, sau 96 – 120 giờ trứng sẽ nở, 3 ngày sau cá bột mới mở miệng và bắt đầu ăn thức ăn bên ngoài. Cá nhỏ sử dụng tảo, phiêu sinh động vật làm thức ăn; sau 1 tháng chúng có thể đạt cỡ 1,5 cm và chuyển sang ăn thức ăn của loài.

Sản xuất giống và nuôi thương phẩm

Nác hoa là loài cá bản địa, thích nghi rất cao với điều kiện thời tiết các vùng nuôi ven biển nước ta. Những năm trước, cá được khai thác tự nhiên với số lượng nhiều để cung cấp cho thị trường trong nước là chính (sản phẩm tươi và khô). Đứng trước tình hình nguồn lợi tự nhiên cá nác hoa đang bị cạn kiệt, Chi cục Thủy sản Ninh Bình đã thực hiện thành công việc sản xuất giống nhân tạo loài cá này và đang tiếp tục xây dựng quy trình nuôi thương phẩm, nhằm tạo ra loài nuôi mới, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi cho những ao tôm bị dịch bệnh.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Chi cục đã thả nuôi 22,5 vạn con giống cá nác hoa nhân tạo (2 – 4 cm/con) trên diện tích 1,5 ha (mật độ 10 con/m2) tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn. Kết quả bước đầu cho thấy, khi sử dụng cả hai loại thức ăn công nghiệp và tự chế thì cá phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 70%. Theo đó, bước đầu có thể khẳng định loài cá này khá thích nghi điều kiện tự nhiên tại vùng biển Kim Sơn và hứa hẹn mang lại năng suất cao.

Là sản vật của vùng bãi triều và rừng ngập mặn, thịt cá nác hoa rất mềm và thơm ngon. Chúng có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau (như cá nác nấu canh chua, nướng chấm mắm, kho tiêu, hấp cách thủy, cuốn bánh tráng rau sống…).

Theo Dương Tử, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 07/10/2014

Một bình luận trong “Cá nác hoa – loài nuôi tiềm năng”

Trả lời phản hồi cho hà nguyễn Hủy