Luân canh muối – tôm: Hiểu để nuôi mới đạt hiệu quả

Mô hình luân canh muối – tôm được triển khai thí điểm tại thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam từ năm 2009, đem lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, những năm gần đây, người nuôi tôm đang thấp thỏm vì vụ nào cũng có tôm bị bệnh chết hàng loạt…

Được mùa muối

Ông Cao Xuân Linh – Chủ tịch UBND xã Tân Thuận cho biết: Từ năm 2009, mô hình thâm canh muối – tôm bắt đầu được HTX Thanh Phong triển khai thí điểm. Theo đó dựa vào thời tiết tại địa phương, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là làm vụ muối, còn từ tháng 5 đến tháng 10 thì nuôi tôm trên cùng diện tích. Vụ muối vừa qua, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha. Diện tích muối sản xuất trong 9 tháng là 90 ha, đạt 100% kế hoạch. Sản lượng khai thác 10.200 tấn, đạt 108%, tăng so với cùng kỳ 240%. Giá muối trải bạt thu mua tại xã trung bình ở mức 1.200 đồng/kg, còn muối truyền thống giá 1.000 đồng/kg. Giá muối năm nay tăng cao so với cùng kỳ nên phần nào tạo thu nhập ổn định cho diêm dân. Với 1ha đất sản xuất muối theo phương pháp trải bạt đạt năng suất bình quân 15 tấn. Sau khi trừ các chi phí… nhiều hộ thu về hơn 100 triệu đồng.

Sản xuất muối trên sân trải bạt có ưu điểm là nước ít bị rò rỉ nên cho năng suất tối đa. Nếu làm muối trên sân đất, khi xảy ra cơn mưa trái mùa hay làm lại vụ mới phải mất từ 2 – 3 ngày mới cải tạo xong đồng muối. Còn làm muối trên sân trải bạt thì chỉ cần sáng cào muối, chiều là có thể đưa nước vào để làm vụ tiếp. Điều này giảm mức đầu tư về thuê lao động, rút ngắn thời gian thu hoạch.

Tôm thất thu đến 40%

Sau khi vụ muối kết thúc, người dân tiến hành nuôi tôm ngay trên những ruộng muối. Nhiều năm qua, nghề nuôi tôm trên ruộng muối đang là thế mạnh, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho diêm dân xã Tân Thuận. Thời điểm này, bà con đang tiến hành dọn vệ sinh ao hồ để chuẩn bị xuống giống tôm vụ 3. Tuy nhiên trước đó, sau khi vụ 2 kết thúc toàn xã Tân Thuận có hơn 40% tôm nuôi bị bệnh chết trong tổng số 75ha. Nguyên nhân được xác định do thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến môi trường nuôi. Đồng thời mật độ nuôi cao 150 – 200 con/m2 làm cho môi trường nuôi luôn bị ô nhiễm tạo nên tác nhân cho dịch bệnh bùng phát. Bên cạnh đó, mùa mưa cũng là mùa tôm bị thiệt hại do điều kiện thời tiết không ổn định.

Chính vì vậy, để mô hình này mang lại hiệu quả, người nuôi cần có những kiến thức nhất định. Theo kinh nghiệm của người nuôi, để tôm đạt năng suất, ít xảy ra dịch bệnh thì khi thu hoạch xong vụ muối, phải cải tạo ngay đáy ao, làm giảm bớt độ mặn thì tôm mới sinh trưởng, phát triển tốt. Bên cạnh đó, ao nuôi phải bảo đảm mực nước từ 0,7m – 1m. Mật độ tôm cần bảo đảm mức 15 con/m2. Ngoài ra, người nuôi cần xét nghiệm và kiểm dịch đầy đủ con giống trước khi thả nuôi. Khi tôm đến tuổi thu hoạch hoặc gặp sự cố dịch bệnh cần làm tốt việc bảo vệ môi trường cho nguồn nước chung, không xả nước bẩn nhiễm bệnh ra trực tiếp ngoài môi trường. Những ao nuôi tôm sau mỗi vụ nuôi, nhất là ao nuôi đã xảy ra tình trạng tôm chết cần phải cho ao nghỉ và tiến hành cải tạo ao cho vụ mới là rất quan trọng.

Theo Thu Hà, Báo Bình Thuận Online Mobile, 14/10/2014

Ý kiến của bạn