Các giải pháp xử lý ốc đinh trong mô hình nuôi tôm

Nhằm tìm ra giải pháp tốt hơn để hạn chế ốc đinh và mở rộng các mô hình nuôi xen cua hoặccá trong rừng ngập mặn, góp phần nâng cao và ổn định thu nhập cho cộng đồng dân nghèo tại địa phương.

1. Đặt vấn đề

Nghề nuôi trồng thủy sản là sinh kế quan trọng tại các xã ven biển thuộc huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, trong đó các mô hình nuôi tôm quảng canh kết hợp nuôi cua dựa vào tán rừng hay rừng tôm kết hợp (RT-KH) là khá phổ biến ở địa phương. Các mô hình này đang canh tác trên đất có nguồn gốc từ rừng ngập mặn (RNM) và được nhận diện như là một giải pháp tốt giúp cải thiện về chất lượng môi trường đất, môi trường nước và thân thiện với hệ sinh thái, từ đó giúp cộng đồng ven biển cải thiện thu nhập, và đồng thời giúp bảo vệ diện tích RNM.

Tôm sú và cua là hai đối tượng nuôi chính trong các mô hình RT-KT, năng suất chung cho cả tôm và cua cao nhất đạt 488,9 kg/ha/năm và lãi cao nhất là 31,9 triệu đồng/ha/năm (IUCN 2013). Tuy nhiên, mô hình RT-KH gặp nhiều khó khăn về vấn đề kỹ thuật và chất lượng đầm nuôi liên quan đến các công tác thiết kế, cải tạo và vận hành, và các khó khăn khác thường gặp phải như vấn đề chi phí đầu tư và vận hành đầm nuôi tăng cao. Bên cạnh đó, một số yếu tố khách quan có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) này như: giá đầu ra cho các sản phẩm thủy sản không ổn định, chính sách phát triển NTTS chưa phù hợp, và một số vấn đề khác như chất lượng con giống, thời tiết, bệnh và ô nhiễm môi trường tự nhiên.Đặc biệt, hiện tượng ốc đinh xuất hiện ngày càng nhiều và phát triển nhanh trong mô hình RT-KH cạnh tranh thức ăn với tôm, và làm giảm chất lượng nước do tiêu thụ nhiều khoáng (Ca, Mg..) dẫn đến việc giảm độ kiềm trong nước là một trong những tác nhân có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của mô hình này.

Theo kết quả khảo sát mới đây (5 – 11/5/2013) của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Minh Hải thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II (RIA2) tại xã Thạnh Hải cho thấy có 53,8% số hộ mô hình rừng tôm kết hợp, 50% số hộ chuyên tôm có rừng và 66,7% số hộ chuyên tôm không rừng đang gặp khó khăn về vấn đề ốc đinh xuất hiện nhiều trong hệ thống nuôi, đối tượng này phát triển nhanh và chưa có biện pháp khắc phục.

“Xác định giải pháp xử lý ốc đinh trong mô hình nuôi tôm – rừng ở tỉnh Bến Tre” được thực hiện nhằm tìm ra giải pháp tốt hơn để hạn chế ốc đinh và mở rộng các mô hình nuôi xen cua hoặccá trong RNM, góp phần nâng cao và ổn định thu nhập cho cộng đồng dân nghèo tại địa phương.

2. Phương pháp

2.1. Cách tiếp cận

– Lược khảo tài liệu và thực hiện thí nghiệm quan sát tập tính sinh học của cua khi sử dụng ốc đinh làm thức ăn tự nhiên. Thí nghiệm này được thực hiện bằng trên 3 thùng nhựa có diện tích bề mặt 1m2, mỗi thùng thả 1 con cua và 50 con ốc, đếm số lượng ốc sau 2 ngày thả.

– Phối hợp chính quyền địa phương và Ban quản lý rừng khảo sát chọn hộ gặp khó khăn về vấn đề ốc đinh để thực hiện thử nghiệm.

– Xây dựng qui trình kỹ thuật nuôi cua hạn chế ốc đinh trong rừng ngập mặn dựa trên điều kiện thực tế tại địa phương.

– Bố trí thí nghiệm trực tiếp trên ba hộ dân đang gặp khó khăn về vấn đề ốc đinh.

Hộ tham gia

Mật độ ốc đinh (con/m2)

1

970

2

865

3

968

Bảng 2.Mật độ ốc đinh trước khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật

2.2. Phương pháp

Thời gian thực hiện: từ tháng 1/2014 đến tháng 11/2014.

Bố trí thí nghiệm tại 3 hộ nuôi tôm rừng tại ấp 6 và ấp 7, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Mỗi hộ thực hiện thí nghiệm trên tổng diện tích 2 ha trong đó diện tích RNM chiếm 50%. Thông tin về diện tích, tọa độ GPS của từng hộ được trình bày trong bảng 1. Trước khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật, mật độ ốc đinh (con/m2) được xác định bằng cách: tại mỗi hộ, chọn ít nhất 3 điểm tại mép nước trong ao nuôi, mỗi điểm thu gom ốc đinh trong diện tích 0,5m2 đếm số lượng ốc đinh tại mỗi điểm và tính trung bình.

Hộ tham gia

Tổng diện tích (ha) Vị trí Ký hiệu ao

Tọa độ GPS

Biện pháp xử lý
Diệt tạp Thả cua Bắt tay

1

2,5 2 Ấp 7 B 9050’053’’;

Đ106038’471”;

X X X

2

3 2 Ấp 7 B 9050’024’’;

Đ106038’534”;

X

X

3 12,8 2 Ấp 7 B 9048’950’’;

Đ106036’740”;

X X

Bảng 1. Thông tin về các hộ thực hiện thí nghiệm

Quy trình nuôi cua hạn chế ốc đinh được soạn thảo và hoàn thiện từ sự góp ý của các hộ tham gia thực hiện dựa theo điều kiện thực tế của từng hộ. Ba biện pháp kỹ thuật được áp dụng gồm: i). Xử lý bằng chất diệt tạp trong cải tạo ao, ii).Nuôi cua trong ao để cua sử dụng ốc đinh làm thức ăn tự nhiên; và iii). Thu gom ốc đinh thủ công. Các biện pháp kỹ thuật sẽ được hoàn thiện trong suốt quá trình nuôi.

Hộ 1 và 2: Có diện tích tổng thể nhỏ hơn 3 ha nên thuận tiện trong việc xả cạn đáy ao, dễ dàng cải tạo trước khi nuôitheo mô hình RT-KH. Hai hộ này áp dụng qui trình xử lý cải tạo ao trước khi nuôi. Để so sánh ảnh hưởng của cua nuôi với ốc đinh, hộ 1 thả bổ sung cua (tôm – cua kết hợp) nhưng hộ 2 không thả cua.

Hộ 3: Diện tích tổng thể rộng không thể xả cạn đáy ao nên chỉ áp dụng phương pháp thả cua kết hợp thu gom ốc bằng tay.

Chăm sóc cua nuôi, quản lý sức khỏe và môi trường theo qui trình kỹ thuật đã được xây dựng.Quy trình nuôi cua trong mô hình RT-KH hạn chế ốc đinh

 3. Kết quả thực hiện

3.1. Quan sát tập tính sinh học của cua và khảo sát mật độ ốc đinh trước khi áp dụng các biện pháp xử  lý

Sau 2 ngày thả cua trong thùng nhựa, quan sát thấy cua ăn ốc bằng cách dùng càng cắn nát vỏ ốc và ăn phần thịt. Số lượng ốc bị ăn trong 2 ngày là 6 con/thùng.

Trong mô hình RT-KH, tại những khu vực tập trung ốc đinh nhiều được tiến hành chọn điểm và thu gom đếm số lượng, phương pháp này cũng được áp dụng sau khi kết thúc vụ nuôi tôm và cua.

Chọn mẫu và đếm số lượng ốc đinh trước khi xử lý

Mật độ ốc đinh trong ao tại từng hộ từ 865 đến 970 con/m2 được trình bày trong bảng 3, mật độ này là tương đối cao tuy nhiên đây là mật độ ốc tập trung theo từng cụm trong ao tại mép nước vào buổi sáng từ 6 giờ đến 10giờ. Khi nắng lên ốc có xu hướng di chuyển ra ngoài ao, đặc tính này được quan sát để áp dụng thu mẫu khảo sát sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật.

3.2. Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng

Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về mối tương quan giữa tỷ lệ ốc đinh với mức độ nhiễm bệnh của tôm trong ao, tuy nhiên ốc đinh xuất hiện trong ao ở mật đô cao như bảng 3 sẽ cạnh tranh thức ăn với tôm nuôi, làm cho tôm thiếu thức ăn, sức đề kháng yếu. Bên cạnh đó, những ao nuôi có xuất hiện nhiều ốc đinh độ kiềm trong nước thường giảm mạnh so với ao không có ốc, đối với những ao nuôi tôm thâm canh bị bệnh chết sớm thường xuất hiện rất nhiều ốc (quan sát thực tế). Chúng thường phát sinh nhiều ở các ao nuôi vụ nuôi trước đã có ốc xuất hiện và không được cải tạo và phơi đáy ao kỹ, để hạn chế ốc đinh người dân thường cào gom ốc và chuyển thủ công ra ngoài khi cải tạo ao, vớt ốc hoặc thả các tấm phên bằng tre xuống xung quanh ao sau đó thu gom hàng ngày khi trong ao đã có tôm.

Những phương pháp xử lý ốc đinh thông thường được người nuôi tôm áp dụng trong các mô hình nuôi thâm canh là dùng vôi nóng (CaO) hoặc chất diệt tạp trong lúc cải tạo ao. Thả cua vào ao nuôi quảng canh cũng là một phương pháp được sử dụng để hạn chế ốc và tăng nguồn thu nhập từ cua.

Trong thử nghiệm, hộ 1 được áp dụng cả 3 phương pháp là bắt thủ công, dùng chất diệt tạp khi cải tạo ao và thả cua xen canh với tôm, hộ 2 áp dụng phương pháp bắt thủ công và diệt tạp nhưng không thả cua, hộ 3 không xử dụng chất diệt tạp nhưng tiến hành bắt ốc thủ công và thả cua. Cua được thả theo mật 0,7con/m2 thả và được chăm sóc quản lý theo quy trình. Trong suốt quá trình nuôi không định kỳ bắt ốc.

3.3. Khảo sát mật độ ốc đinh sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật

Sau 10 tháng áp dụng các biện pháp thử nghiệm nhằm hạn chế ốc đinh trong mô hình RT-KH, mật độ ốc đinh được thu gom và đếm số lượng theo cùng một phương pháp ban đầu, kết quả được trình bày trong bảng 3.

Hộ tham gia

Mật độ ốc đinh (con/m2)

1

80

2

205

3

175

Bảng 3. Mật độ ốc đinh sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật

Kết quả thử nghiệm cho thấy khi áp dụng các phương pháp kỹ thuật đơn giản thì mật độ ốc đinh sẽ giảm. Ở hộ 1 áp dụng cả ba phương pháp có kết quả mật số ốc đinh thấp nhất so với 3 hộ, trong khi đó hộ 2 không thả cua nên mật độ ốc cao hơn hộ 3 có thả cua. Khi lấy mẫu ốc đinh và đếm số lượng trên 3 hộ canh tác theo mô hình lân cận tại địa bàn cho thấy mật độ trung bình là 923 con/m2.

4. Kết luận

Đối với mô hình RT-KH xuất hiện nhiều ốc đinh, áp dụng biện pháp xử lý diệt tạp kết hợp với bắt thủ công và thả thêm cua với mật độ từ 0,7 – 1 con/m2 vào ao nuôi kết hợp với tôm thì có hiệu quả cao so với những hộ không áp dụng các biện pháp kỹ thuật.

Nuôi kết hợp trong mô hình RT-KH, đặc biệt là kết hợp cua và tôm sẽ hạn chế đáng kể ốc đinh, đồng thời đa dạng đối tượng nuôi góp phần thành công cho mô hình RT-KH.

>> Tài liệu tham khảo

IUCN 2012. Kết quả đánh giá tính dễ tổn thương và năng lực thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu (VCA) tại: ấp 8 Xã Thạnh Hải, ấp 6 và Ấp 7 xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Báo cáo tóm tắt năm 2012.

IUCN 2013.Phân tích thực trạng mô hình tôm rừng ở Trà Vinh và Bến Tre: loài nuôi thủy sản.

Theo Đoàn Văn Bảy, Nguyễn Văn Phụng – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 17/03/2015

Một bình luận trong “Các giải pháp xử lý ốc đinh trong mô hình nuôi tôm”

Ý kiến của bạn