Phát triển cá lồng trên biển đang tạo giá trị lớn cho người dân. Tuy nhiên, hạn chế là vấn đề thiệt hại trong nuôi trồng vẫn cao; việc đưa ra giải pháp về quy hoạch lại vùng nuôi, kiểm soát mức độ cho ăn, con giống… được quan tâm hàng đầu hiện nay.
Còn nhiều hạn chế
Nghề nuôi cá lồng trên biển đã phát triển trong khoảng 30 năm lại đây. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2014 Việt Nam đã sản xuất được 3,62 triệu tấn thủy sản với diện tích nuôi trồng khoảng 1.100 ha với giá trị 115 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay ngành cũng đang gặp phải nhiều vấn đều khó khăn như: phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch, dịch bệnh gia tăng, ô nhiễm môi trường trầm trọng, tỷ lệ cá chết chưa rõ nguyên nhân tăng cao, sản lượng thất thường, hệ số tiêu thụ thức ăn tăng, lợi nhuận kinh tế ngày càng giảm.
Trước tình hình đó, Hội Nghề cá Việt Nam đã đề xuất nhiều hướng giải quyết để giảm thiệt hại trong nuôi cá lồng; trong đó có các hướng: quy hoạch lại vùng nuôi, kiểm soát mức độ cho ăn, con giống… Việc áp dụng công nghệ mới vào giải quyết các việc trên đang là vấn đề cấp thiết với người nuôi.
Tập quán nuôi cá lồng hiện nay của người dân vẫn sử dụng lưới lồng nylon làm lồng nuôi cá. Đây là loại lưới rẻ tiền, dễ kiếm; song còn nhiều nhược điểm: bị hàu rong rêu bám vào lưới làm cho nước lưu thông kém và tăng ký sinh trùng gây bệnh, thường xuyên phải thay lưới mới, mất công lao động và ảnh hưởng đến cá khi bắt từ lồng này sang lồng khác, sóng biển thường đánh dạt lồng, làm giảm thể tích thực của lồng nylon; ngoài ra lồng nylon còn bị ảnh hưởng bởi sóng biển, lưới lồng có thể rách do động vật tấn công.
Công nghệ tiên tiến
Để khắc phục hạn chế của lồng nylon, từ những năm 1970, các nước tiên tiến đã nghiên cứu sử dụng lồng hợp kim. Đặc biệt từ năm 2010 lại đây, lồng cá làm từ vật liệu đồng đã được lắp đặt rất nhiều ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Tháng 1/2014, Hiệp hội Đồng quốc tế khu vực Đông Nam Á (ICASEA) đã hợp tác với Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) thực hiện Dự án lồng cá dùng vật liệu đồng (CAM) trong ngành thủy sản Việt Nam tại đảo Cát Bà (Hải Phòng) với sự cho phép của Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hải Phòng. Dự án lắp đặt 3 lồng đồng kích thước 3 x 3 x 3 m và 3 lồng đồng kích thước 2 x 2,5 x 3 m nuôi cá mú (Grouper). Lồng nylon được dùng làm đối chứng với các điều kiện nuôi tương tự nhau.
>> Để được tư vấn miễn phí, người nuôi có thể liên hệ trực tiếp với ông Huỳnh Hồng Tấn – Đại diện Hiệp hội Đồng quốc tế khu vực Đông Nam Á (ICASEA) theo địa chỉ email: huynh.tan@copperalliance.asia; Điện thoại: 0913 726 789 hoặc Tiến sỹ: Lê Thanh Lựu – Trưởng ban Hợp tác Quốc tế – Hội Nghề cá Việt Nam. Điện thoại: 0913 270 388, email: luuria1@yahoo.com. |
Sau hơn một năm thực hiện dự án tại Việt Nam, cho thấy công nghệ lồng cá dùng vật liệu đồng đem lại hiệu quả vượt trội so với lồng nylon. So với lồng nilon, môi trường xung quanh lồng CAM luôn sạch sẽ, không có hàu hà bám. Nước dễ lưu thông qua lồng, hàm lượng ôxy trong lồng cao.
TS Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm ICAFIS cho biết: Hoạt chất ion đồng trong lồng CAM có tác dụng ngăn ngừa động vật nhuyễn thể, hầu hà bám trên thành lồng. Do đó, thành lồng luôn sạch hầu hà, dù được cho xuống nước một năm.
Do môi trường nước thông thoáng, lưới lồng không bị biến dạng khi có dòng chảy; cá trong lồng CAM sinh trưởng cao hơn hẳn so với trong lồng nylon. Tỷ lệ sống của cá trong lồng CAM cao hơn 1,62 lần cá sinh trưởng trong lồng nylon, hiệu quả sử dụng thức ăn cao hơn hẳn. Lồng CAM giúp cá khỏe mạnh, ăn hết thức ăn. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) rất tốt: 9.1 kg thức ăn cho được 1 kg cá; trong khi đó cá nuôi trong lồng nylon là 15,2 kg thức ăn mới được 1 kg cá thịt. Tỷ lệ sống sau các đợt dịch năm 2014 đối với cá trong lồng vật liệu đồng cũng cao hơn (50,6% so với 24,8% của lồng nylon); hầu như không có hà, hàu bám nên tiết kiệm được chi phí vệ sinh lồng. Vật liệu đồng sau khi không còn sử dụng có thể tái chế, bán lại cho nhà cung cấp sử dụng… Một kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy, cá trong lồng CAM có mật độ ký sinh trùng thấp hơn nhiều so với trong lồng nylon. Do đó, cá lớn nhanh và khỏe hơn nuôi trong lồng nilon.
Các kết quả phân tích nước và cá trong suốt thời kỳ triển khai dự án cũng cho thấy hàm lượng Cu và Zn trong con cá (da, thịt, gan…) và trong nước biển không có khác biệt nào so với lồng nylon. Qua đó, cho thấy đây là một vật liệu an toàn, sử dụng thân thiện môi trường, giúp nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Lợi nhuận từ nuôi cá lồng đồng gấp 1,5 lần so với lồng nylon, nhờ cá sinh trưởng nhanh hơn, tỷ lệ cá sống cao hơn, chuyển hóa thức ăn tốt hơn, ít dịch bệnh hơn, giảm nhân công, cho dù vốn đầu tư ban đầu cao hơn.
Theo TS Craig Craven, chuyên gia công nghệ nuôi trồng thủy sản Mỹ, đây là vật liệu có nhiều ưu điểm trong chống chọi thiên tai. Nhưng tùy thuộc cường độ bão, trong trường hợp bão tố lớn vẫn có thể phải di chuyển bè đó vào nơi an toàn hơn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm Nhật Bản, Hàn Quốc, họ sử dụng lồng kích thước khung sườn lớn nên có thể chịu được bão to, vì vậy lồng bè nuôi cá không phải di chuyển.
Mặt khác, theo các chuyên gia, để áp dụng rộng rãi công nghệ này ở Việt Nam cần có một số cải tiến để giảm bớt chi phí ban đầu cho lưới đồng, như: sử dụng mắt lưới to hơn; dùng dây đồng để buộc thay vì ốc vít nhập khẩu. Đồng thời, do chi phí đầu tư ban đầu lớn nên Việt Nam cũng tính đến mô hình cho thuê lồng thay vì nông dân phải tự đầu tư cũng sẽ góp phần thúc đẩy nhanh ứng dụng vật liệu mới trong nuôi trồng, nâng cao giá trị của ngành thủy sản.
>> Công nghệ lồng đồng sử dụng trong ngành thủy sản Việt Nam rất phù hợp, được khuyến nghị phổ biến cho nông dân để ứng dụng rộng rãi, với một số cải tiến chủ yếu giảm chi phí đầu tư ban đầu cho lưới đồng, như sử dụng mắt lưới to hơn, dùng dây đồng để buộc thay vì ốc vít nhập khẩu và mô hình cho thuê lồng thay vì nông dân phải tự đầu tư. |
Theo Tạp chí thủy sản Việt Nam, 18/11/2015 ,