Kỹ thuật nuôi cá kèo

Cá kèo là loài sống chủ yếu ở vùng nước lợ và nước mặn, nhưng cũng có thể sống ở nước ngọt. Chúng làm hang ở các bãi bùn và có thể trườn lên trên các bãi này để đi lại và tìm kiếm thức ăn. Cá kèo có tính thích nghi rộng với môi trường nên có thể sống ở các vùng nước có độ mặn từ 0 – 30%0, nhiệt độ từ 15 – 370C là loài cá có tính di cư xuôi dòng. Cá sinh trưởng tốt ở nhiệt độ 27 – 330C, pH 6,5 – 8,0, DO dao động từ 2 – 4 mg/l, độ mặn 10%0

Chuẩn bị và cải tạo ao

Tùy theo điều kiện tự nhiên, đặc điểm từng vùng và khả năng của mỗi nông hộ mà có vị trí ao nuôi khác nhau để thích hợp với các hình thức nuôi khác nhau, thường các hộ tận dụng diện tích ruộng muối trong mùa mưa, ao nuôi tôm công nghiệp sau khi thu hoạch, nuôi kết hợp với tôm trong ao nuôi tôm quảng canh cải tiến.

Phần lớn người nuôi cá kèo sử dụng ao nuôi có diện tích từ 0,2 – 0,4 ha với diện tích này người nuôi dễ quản lý cả về môi trường ao nuôi lẫn dịch bệnh. Bên cạnh đó, với diện tích nhỏ thì việc cải tạo ao được tốt hơn các khâu chuẩn bị trước khi thả giống được hoàn thiện hơn nhằm tạo điều kiện tốt cho sự phát triển của cá giống, khâu chăm sóc cũng được tốt hơn. Độ sâu ao nuôi cá kèo ao nuôi là 1,2 m, có thể dao động từ 1 – 1,8m.

Cải tạo ao trước khi bắt đầu vụ nuôi mới, theo các trình tự tháo cạn hết nước ao nuôi, sên vét sình, phơi đáy ao, thời gian cải tạo trung bình 4 – 5 ngày. Cần bón vôi khi cải tạo ao từ 10 – 15kg/100m2 với tác dụng hạ phèn và ổn định pH và tạo thức ăn tự nhiên cho ao.

Sau khi cải tạo xong, nước được đưa vào trung bình 0,25 – 0,35 m khi nước tốt tiến hành thả giống. Với mức nước này vừa tốt cho cá con vì phù hợp với độ sâu ở các bãi bồi nơi bắt giống và cũng làm cho tảo ở đáy và các phiêu sinh vật mau phát triển tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá. Thời gian sau đó mức nước có thể được điều chỉnh tăng dần lên với mỗi lần cấp nước thêm dao động từ 20 – 30 cm và đạt dao động từ 30 – 40 cm sau một tháng thì độ sâu là phù hợp với sự phát triển của cá và sau đó được cấp đến 1,2 m hay cao hơn.

Con giống và mật độ thả

Nguồn giống cung cấp cho nghề nuôi chủ yếu dựa vào tự nhiên, mùa vụ nuôi cá phụ thuộc bởi xuất hiện con giống ngoài tự nhiên, mùa vụ thả nuôi bắt đầu từ tháng 4 âm lịch. Mùa vụ xuất hiện cá kèo giống từ cuối tháng 4-10 âl (ở Bạc Liêu) và từ tháng 5-11 âl (ở Sóc Trăng). Kích cở cá trung bình khai thác được từ 1,4-2 mm ở Bạc Liêu và từ 1,36-2 mm ở Sóc Trăng. Số lượng cá tạp lẫn trong cá kèo giống từ các ngư dân khai thác cá giống cao hơn so với các cơ sở mua bán giống.

Hiện nay cá kèo giống khai thác ngoài tự nhiên là cở 1-1,5 cm được bán đong bằng ly hoặc kg. Mỗi ly cá kèo giống khoảng 1.000 con, mỗi kg khoảng 30.000-31.000 con, đối với cá kèo giống cở 4-5 cm mỗi kg có khoảng 5.000-5.500 con.

Cá kèo có thể thả nuôi với mật độ từ 30-60 con/m2, nếu điều kiện thuận lợi có thể lên đến 100 con/m2.. Theo kinh nghiệm của số đông hộ dân, nếu nuôi sớm vào tháng 4 – 5 thì cá phát triển tốt, nhất là ở các tháng đầu tiên có điều kiện môi trường thuận lợi cho cá do nhiệt độ cao nhưng không biến động nhiều, chưa có mưa nhiều nên độ mặn và các yếu tố thuỷ lý hoá ít biến động. Nếu nuôi vào các tháng 7 – 8, thời tiết và môi trường có nhiều biến động do mưa lớn, độ mặn giảm, nhiệt độ thường thay đổi chênh lệch lớn và nhất là các tháng cuối năm nhiệt độ hạ thấp nên ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cá.

Trong điều kiện hệ thống ao nuôi chuẩn bị tốt, việc cấp và thoát nước được thực hiện chủ động dễ dàng, thức ăn đầy đủ thì nông hộ có thể thả nuôi với với mật độ dao động từ 80 – 100 con/m2

Hầu hết người dân hiện nay điều chọn kích cỡ thả nuôi trong khoảng < 2,5 cm là do giá con giống tương đối thấp (317 đồng) và tỷ lệ sống cao (61,8 % ) phù hợp với điều kiện của người nuôi. Thả với kích cỡ > 2,5 cm giá con 442 đồng và tỷ lệ sống 60,4% thì giá thành con giống tương đối cao hơn và tỷ lệ sống không bằng với kích cỡ < 2,5 cm.

Nếu thả con giống còn quá nhỏ (< 1,2 cm) không qua ương nuôi thì tỷ lệ hao hụt rất lớn (60 – 70%), do cá yếu và chưa thích nghi với điều kiện môi trường mới trong ao nuôi. Ngoài ra tỷ lệ lẫn giống tạp khác còn cao do quá trình ép lọc vẫn chưa loại bỏ hết, làm giảm hiệu quả kinh tế. Điểm nhận dạng cá kèo giống với các loài cá khác là cá kèo giống có đốm đỏ dưới mặt bụng của cá.

Thức ăn và cách cho ăn

cá kèo là loài ăn tạp thiên về thực vật do có chiều dài ruột (Li) và chiều dài chuẩn (Lc) là 3,27. Trong ống tiêu hóa của cá kèo chủ yếu là tảo khuê, tảo lam và mùn bã hữu cơ là chủ yếu, trong đó tảo khuê chiếm tỉ lệ cao nhất trong chuỗi thức ăn (83,1%), mùn bã hữu cơ chiếm (14,9%), tảo lam (1,9%). Ngoài ra, trong ống tiêu hóa của cá kèo còn xuất hiện một vài loài động vật phù du như: Copepoda (0,06%), Cladocera (0,03%).

Thức ăn sử dụng trong mô hình nuôi cá kèo thương phẩm là thức ăn công nghiệp dạng viên. Thức ăn sử dụng cho cá kèo nên có độ đạm từ 18-25% và hiện nay chưa có nghiên cứu về dạng thức ăn chìm hay nổi là tốt hơn cũng như một nghiên cứu đầy đủ về loại thức ăn dành riêng cho cá kèo.

Một số thức ăn được sử dụng trong nuôi cá kèo thâm canh phổ biến là thức ăn UP, Dollar, Green Feed, Grobest, CP.
Thức ăn tự chế được dùng chủ yếu là cám và phối trộn thêm thức ăn của tôm sú (Jumbo, CP Thái) với tỉ lệ 10:1; cám : thức ăn cá da trơn (2:1) và cám : thức ăn viên của heo (3:1).

Khi cá còn nhỏ ăn thức ăn chìm dạng bột, cám mịn (40% đạm). Khi cá lớn cá có thể ăn thức ăn nổi (38% đạm) thì sử dụng thức ăn nổi với kích thước hạt vừa miệng cá, theo kinh nghiệm từ 2,5 – 3 tháng sau khi thả giống cá ăn rất mạnh do đây là giai đoạn phát triển mạnh của cá, sau 3 tháng trở đi cá ăn ít lại do đã tích lũy đủ năng lượng và có xu hướng đi ra khỏi ao.

Ngoài ra, trong thời gian nuôi, có bổ sung thêm một số loại men tiêu hoá trong thức ăn nhằm kích thích cho cá ăn nhiều và tiêu hoá thức ăn tốt hơn tránh hiện tượng cá bị chướng bụng, đầy hơi.

Cá được cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát với lượng thứ ăn bằng 10% trọng lượng thân/lần

Chăm sóc và quản lí

Tỉ lệ thay nước mỗi lần đối với cá nuôi cao nhất chỉ là 30% để tránh gây sóc cho cá và định kì 7-10 ngày thì nên thay một lần. Bón vôi trên bờ ao và hòa tan vào nước để tạt xuống ao nuôi khi trời mưa lớn hoặc xử lý nước kỹ trước khi cấp vào ao nuôi.

Nên thường xuyên theo dõi tình trạng của cá trong ao để kịp thời xử lý và tăng kích cở của viên thức ăn. Kết hợp bổ sung vitamin C, premix và men tiêu hóa để phòng bệnh cho cá. Định kỳ bón vôi, phân hữu cơ và hóa chất (thuốc tím) để xử lý nước.
Khi mật độ tảo trong ao quá nhiều, tảo sợi trong ao nhiều thì sử dụng men vi sinh, hóa chất diệt tảo để cắt giảm mật độ tảo trong ao. Khống chế độ trong của ao cao hơn 25 cm và nước ao không quá dơ.

Định kỳ sử dụng Zoelite để xử lý đáy ao nhằm hạn chế khí độc ở đáy ao và giúp môi trường nuôi được cải thiện hơn.
Một số bệnh trên cá kèo.

Trên cá kèo nuôi thâm canh đã xuất hiện một số bệnh như lở loét, phình bụng, đĩa kí sinh, trắng đuôi, nấm nhớt. Tuy nhiên chưa biết đươc nguyên nhân chính xác, những nghi vấn ban đầu có thể do môi trường nước dơ, mật độ cao hoặc thức ăn không phù hợp.

Khi cá bị bệnh đường ruột và gan thì sử dụng Vitamin C, men vi sinh, Amox, Tetra và kết hợp với việc thay nước hiệu quả sử dụng đạt tỉ lệ 50 – 60%. Đối với những bệnh còn lại thì hầu hết thì nông hộ bổ sung vitamin và khoáng, đây cũng là nổi băn khoăn của hầu hết người nuôi.

Hầu hết những loại bệnh xuất hiện như nêu trên một phần cũng liên quan đến mật độ thả nuôi, nếu thả mật độ quá dày ao sẽ rất mau dơ và tỷ lệ cá mắc bệnh cao.

Thu hoạch

Mật độ cũng ảnh hưởng đến thời gian nuôi, thời gian nuôi 4 – 4,5 tháng mật độ thả bình quân là 90 con/m2, thời gian lớn hơn 4,5 tháng mật độ trung bình 100 con/m2 mật độ quá dày sẽ dẫn đến tình trạng cá tranh dành thức ăn, cá không đủ thức ăn sẽ chậm lớn ảnh hưởng đến thời gian nuôi. Kích cỡ thu hoạch của cá kèo bình quân là 40 con/kg. Cá kèo là loài sống làm hang nên chúng có thể trốn vào hang khi người nuôi dùng lưới kéo. Chính điều này là những nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi.

Cá được thu hoạch bằng cách đặt lú, lần thu hoạch đầu tiên tiến hành sau 4 đến 5 tháng nuôi. Các hộ nuôi kết hợp với tôm nuôi trên đất muối thường thu hoạch nhiều lần vào các con nước rong, những hộ nuôi chuyên cá chỉ thu đồng loạt 1-2 lần.
Thu hoạch cá kèo bằng cách tháo cống xả hết nước trong ao nuôi. Đây là cách thu hữu hiệu nhất không gây nguy hại cho cá và ít tốn kém chi phí.

Cở cá thu hoạch dao động từ 30-80con/kg tùy thuộc vào thời gian nuôi và lựa chọn thời điểm thu hoạch của chủ hộ. Năng suất cá kèo bình quân là 10,8 tấn/ha, cao nhất là 16,7 tấn/ha. Chi phí về thức ăn và con giống là lớn nhất, ngoài ra chi phí cho việc cải tạo, thuê lao động, thuốc và hóa chất chiếm số lượng rất nhỏ so với tổng chi phí xem như không đáng kể. Đối với nuôi chuyên cá kèo, tổng chi phí trung bình là 594 triệu đồng/ha/vụ, chi phí con giống bình quân 302 triệu đồng/ha/vụ, chi phí thức ăn bình quân 243 triệu đồng/ha/vụ.

Hiện nay giá thức ăn tăng cao là vấn đề mà người nuôi quan tâm nhất, để giảm chi phí thức ăn cần quản lý tốt các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn chặt chẽ hơn.

Theo Tep Bac

Ý kiến của bạn