Nuôi tôm thẻ chân trắng trải bạt nền đáy

Để hạn chế tối đa rủi ro khi nuôi tôm thẻ chân trắng ở mật độ cao có trải bạt nền đáy, các hộ nuôi tôm cần lưu ý về chuẩn bị ao, thả giống, chăm sóc…

1. Chuẩn bị ao

Ao được đầm nén kỹ bờ, trước khi lót bạt cần làm phẳng đáy ao, nền đáy nghiêng về cống thoát nước, đáy ao cần được phơi khô. Có thể dùng vải địa chống thấm (HDPE) hoặc bạt, các tấm được dán kín mép lại với nhau, trải lên toàn bộ nền đáy và bờ ao. Khi trải bạt phải vuốt bạt áp sát nền đáy, cần lắp 3 – 4 ống thoát khí nối từ dưới nền đáy lên trên bờ, tránh hiện tượng khí tích tụ phía dưới, đẩy bạt phồng lên khi đưa nước vào ao nuôi. Nếu đã trải bạt nuôi tôm từ vụ trước thì tháo róc nước, dùng máy bơm cao áp xịt rửa sạch các chất bám bẩn trên mặt bạt, sau đó dùng nước Chlorine 5% té đều lên mặt bạt, phơi bạt sau 5 ngày mới lấy nước vào ao.

2. Cấp nước, thả giống

Cấp nước: Nước được lấy vào ao lắng khử trùng bằng Chlorine liều lượng 30 ppm (30 kg/1.000 m3 nước) sau 10 ngày mới lấy nước vào ao qua túi lọc, độ sâu nước ao 1,4 m trở lên. Tránh lấy nước vào ao lắng khi:

+ Có thông tin vùng dịch bệnh thải nước ra vùng nuôi

+ Nước thủy triều có hiện tượng phát sáng ban đêm

+ Nước có nhiều váng bọt, nhiều huyền phù lơ lửng+ Không lấy nước khi thủy triều đang lên

+ Kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước.

Lắp đặt quạt khí: Hệ thống quạt nước có công dụng chính là tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước, tạo dòng chảy kích thích tôm bắt mồi, đồng nhất chất lượng nước tại mọi điểm trong ao, gom chất thải vào giữa ao, thuận tiện cho việc xiphong đáy. Số lượng quạt khí, tùy theo diện tích nuôi mà bố trí dàn quạt khí nhiều hay ít, thông thường với dàn quạt 15 – 17 cánh thì nên lắp 2 dàn, đảo chiều nhau, đảm bảo khi vận hành tạo dòng nước chảy theo một chiều. Ao nuôi nên có diện tích 2.000 – 3.000 m2, hình chữ nhật (dài gấp 1,5 lần rộng), nếu ao hình vuông nên lắp 3 dàn. Với diện tích nuôi 3.000 – 5.000 m2, cần lắp 4 – 6 dàn quạt.

Tôm giống: Chọn những nhà cung cấp có uy tín. Tôm khi chuyển về phải được kiểm dịch và điều chỉnh độ mặn, pH giữa túi đựng tôm và ao nuôi, thả tôm lúc mát trời, cần cân bằng nhiệt độ trong ao và túi, tránh tôm bị sốc nhiệt, mật độ thả nuôi 120 – 150 con/m2.

3. Chăm sóc, quản lý

Thức ăn: Chọn thức ăn cho tôm được sản xuất bởi các hãng lớn. Thức ăn phải cho ăn đúng khẩu phần, hàm lượng đạm phải phù hợp từng giai đoạn phát triển của tôm, luôn kiểm soát lượng thức ăn để điều chỉnh tránh thừa hoặc thiếu. Không nên cho tôm ăn khi trời mưa vì có sự thay đổi nhiệt độ và độ mặn. Trong suốt giai đoạn tôm lột xác, nên giảm lượng thức ăn và bổ sung thêm khoáng. Định kỳ bắt tôm để quan sát: Nếu ruột tôm màu đen sẫm đó là biểu hiện thức ăn bị thiếu, tôm phải ăn thức ăn tự nhiên trong ao, do vậy cần tăng thêm lượng thức ăn cho tôm còn ruột tôm có màu nâu là thức ăn đầy đủ. Dùng sàng ăn để kiểm tra mức độ ăn của tôm để điều chỉnh thức ăn cho kịp thời.

Duy trì độ sâu nước ao để ổn định nhiệt độ: Sau khi thả tôm 10 ngày nên sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch nước ao định kỳ 10 ngày/lần. Sau 1 tháng nuôi, tiến hành xiphong đáy định kỳ 4 ngày/lần; khi xiphong đáy phải nhẹ nhàng, điều chỉnh van vừa phải, tránh tôm bị hút ra theo ống xiphong.

Kiểm soát các yếu tố môi trường: Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi (như pH, độ kiềm, ôxy, độ mặn) để có biện pháp khắc phục kịp thời khi có sự cố môi trường, nên duy trì các yếu tố môi trường ở ngưỡng thích hợp cho tôm, pH: 7,5 – 8,5; độ kiềm: 80 – 120 mg/l, ôxy hòa tan: 4 mg/l trở lên, độ mặn 15 – 25‰. Nếu pH thấp, độ kiềm nhỏ hơn 70: tạt vôi CaCO3 kết hợp Dolomite vào ban đêm. Độ kiềm cao hơn 230: nên thay bớt nước, lấy nước đã qua xử lý từ ao lắng. Nếu pH cao 8,8 – 9 kéo dài, nên thay bớt 20% lượng nước trong ao. Duy trì độ trong 35 – 40 cm. Màu nước duy trì ở màu xanh nõn chuối hoặc màu mận. Trong tháng đầu thả tôm chỉ quạt khí về đêm, sang tháng nuôi thứ 2 trở đi cần vận hành quạt khí 24/24, nên sắm máy phát điện dự phòng khi mất điện. Cùng đó, cần bổ sung chế phẩm sinh học vào ao nuôi định kỳ 10 ngày/lần, nhằm cân bằng hệ vi sinh vật trong ao, phân hủy lượng chất thải, giải phóng khí độc, ổn định môi trường trong ao nuôi. Trộn chế phẩm sinh học vào thức ăn cho tôm, kích thích tiêu hóa giúp tôm lớn nhanh.

Phòng bệnh tôm: Trong quá trình nuôi nên áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, quản lý tốt các yếu tố môi trường. Ngăn chặn các loại cua cáy có thể mang mầm bệnh xâm nhập vùng nuôi; vệ sinh, khử trùng dụng cụ, bảo hộ lao động trước khi vào khu vực nuôi.

Theo Khuyến Nông Huế

Ý kiến của bạn