Phương pháp gây màu nước trong ao nuôi tôm theo VietGAP

Theo báo cáo của Cục thúy y, 9 tháng đầu năm 2015 cả nước có 44.781 ha nuôi tôm nước lợ bị dịch bệnh và thiệt hại trên diện tích thả nuôi 648.568 ha, cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 (43.701 ha). Trong đó, thiệt hại do bệnh 17.350 ha (chiếm 38,7%), thiệt hại do biến đổi thời tiết, môi trường, dinh dưỡng 28.028 ha (chiếm 62,5%), chưa xác định được nguyên nhân 2.008 ha. Như vậy, thiệt hại về môi trường, dinh dưỡng, thời tiết rất lớn, mà thiệt hại về môi trường và dinh dưỡng là do yếu tố chủ quan của con người gây ra. Để hạn chế thiệt hại trên, xin giới thiệu một số phương pháp gây màu đảm bảo ổn định môi trường nước trong ao nuôi tôm nhằm hạn chế thiệt hại và dịch bệnh.

Sau khi chuẩn bị ao, hồ xong tiến hành gây màu nước, mục đích nhằm phát triển vi sinh vật phù du, ổn định màu nước, tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển nhanh, tăng tỷ lệ sống. Một số phương pháp gây màu đạt hiệu quả cao như sau:

1. Phương pháp thứ nhất: Theo công thức 2:1:2 (thành phần gồm 2 kg cám gạo hoặc cám ngô + 1 kg bột cá + 2 kg bột đậu nành). Trộn đều hỗn hợp trên sau đó nấu chín, ủ kín từ 2 – 3 ngày. Dùng cám ủ bón để gây màu, liều lượng 3 – 4 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi đạt độ trong cần thiết (30 – 40 cm). 7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm 1/2 so với ban đầu (căn cứ màu nước để bổ sung).

2. Phương pháp thứ hai: Theo công thức 3:1:3 (thành phần gồm 3 kg mật đường + 1 kg cám gạo (hoặc cám ngô) + 3 kg bột đậu nành). Công thức này không cần nấu chín, trộn đều sau đó ủ kín trong 12 giờ. Dùng cám ủ bón để gây màu, liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi đạt độ trong cần thiết (30 – 40 cm), 7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm 1/2 so với ban đầu (căn cứ màu nước để bổ sung).

3. Phương pháp thứ ba: Sử dụng chế phẩm EM

3.1. Lợi ích của việc sử dụng chế phẩm EM

Đối với con nuôi thủy sản:

– Tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu của con nuôi với các điều kiện ngoại cảnh bất lợi.

– Tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ các loại thức ăn của con nuôi.

– Kích thích tăng trưởng của con nuôi.

– Tăng sản lượng và chất lượng.

– Tiêu diệt các vi sinh vật có hại.

– Hạn chế ô nhiễm môi trường.

* Điều kỳ diệu là EM có tác dụng tốt đối với mọi loài động vật thủy sản.

Đối với môi trường:

– Tiêu diệt các vi sinh vật gây ô nhiễm (H2S, SO2, NH3,…) nên khi phun EM vào rác thải, cống rãnh, chuồng trại, ao nuôi,… sẽ khử mùi hôi nhanh chóng.

– Giảm số lượng ruồi, muỗi, côn trùng trong môi trường.

– Khử mùi rác hữu cơ và tăng tốc độ mùn hóa.

– Ngăn chặn quá trình gây thối, mốc trong bảo quản nông sản.

– Hiệu quả cao, an toàn với môi trường và giá thành rẻ.

3.2. Sản xuất EM2 từ EM gốc (nhằm hạ thấp chi phí sản xuất):

Nguyên liệu (với thùng chứa 50L):

+ 1 kg mật đường

+ 2 kg cám gạo hoặc bột ngô

+ 10 g muối ăn

+ 1 lít EM gốc

+ 46 lít nước sạch khuẩn


Chế phẩm EM gốc

Cách tiến hành:

+ Vô trùng các thùng chứa

+ Lấy 46 lít nước ngọt, sạch khuẩn (nước sôi để nguội càng tốt)

+ Cho 1 kg mật đường, khuấy đều

+ Cho 2 kg cám gạo hoặc bột ngô, khuấy đều

+ Cho vào 10 g muối ăn, khuấy đều

+ Cho vào 1 lít EM gốc, khuấy đều

+ Đậy nắp ủ yếm khí trong thời gian 7 ngày

Với các thể tích lớn hơn (100L, 200L, 500L,…) thì tăng các loại nguyên liệu theo tỷ lệ tương ứng với tăng thể tích.

Cách sử dụng:

+ Xử lý nước: 50 lít EM2/1.000 m3 nước

+ Xử lý đáy ao: 10 lít EM2/1.000 m2 đáy ao

+ Sử dụng định kỳ trong các ao nuôi: 50 lít EM2/1.000 m3 nước, trong tháng nuôi đầu 5 – 7 ngày/lần, tháng thứ 2 sử dụng 3 – 5 ngày/lần, tháng thứ 3 trở đi 2 – 3 ngày/lần.

+ Sử dụng xử lý mùi hôi thối: Dùng bình xịt phun EM2 trực tiếp lên bề mặt các nơi sinh ra mùi hôi thối.


Chế phẩm EM2

3.3. Sản xuất EM5 từ EM gốc:

Nguyên liệu:

+ 1 lít EM gốc

+ 1 lít mật đường

+ 1 lít giấm

+ 2 lít rượu

Cách tiến hành:

+ Dùng bình có nắp đậy, sạch khuẩn

+ Thứ tự cho các nguyên liệu vào: 2 lít rượu → 1 lít giấm → 1 lít mật đường → 1 lít EM gốc → khuấy đều → đậy kín.

+ Ủ yếm khí trong 3 ngày

Cách sử dụng:

+ Xử lý đáy ao: 5 lít EM5/1.000 m2

+ Xử lý nước: 4 lít EM5/1.000 m3, định kỳ 7 ngày/lần, khi tôm lớn tăng số lần sử dụng.

+ Phòng và trị bệnh: Theo hướng dẫn ở phần cuối

3.4. Sản xuất EM tỏi từ EM5:

Nguyên liệu:

+ 1 lít EM 5

+ 1 kg tỏi xay nhuyễn

+ 8 lít nước sạch khuẩn (nước sôi để nguội càng tốt)

Cách tiến hành:

+ Dùng bình có nắp đậy, sạch khuẩn

+ Thứ tự cho các nguyên liệu vào: 8 lít nước → 1 kg tỏi xay nhuyễn → 1 lít EM5 → khuấy đều → đậy kín.

+ Ủ yếm khí trong 24 giờ

Cách sử dụng:

+ Phòng bệnh: 1 lít EM tỏi + 10 kg thức ăn, ủ sau 1 giờ, cho ăn định kỳ.

+ Trị bệnh: Sử dụng liều lượng gấp đôi, cho ăn liên tục 7 – 10 ngày, sau đó quay lại liều phòng.

3.5. Sản xuất EM chuối từ EM2:

Nguyên liệu:

+ 1 lít EM2

+ 1 kg chuối lột vỏ, xay nhuyễn

Cách tiến hành:

+ Dùng bình có nắp đậy, sạch khuẩn

+ Thứ tự cho các nguyên liệu vào: 1 kg chuối lột vỏ xay nhuyễn → 1 lít EM2 → khuấy đều → đậy kín.

+ Ủ yếm khí trong 24 giờ

Cách sử dụng:

1 lít EM chuối + 10 kg thức ăn, ủ sau 1 giờ, cho ăn liên tục.

NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG CHẾ PHẨM VI SINH:

– Không sử dụng chế phẩm vi sinh đồng thời với kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn.

– Sử dụng đúng liều lượng, không nên theo quan niệm sử dụng càng nhiều càng tốt.

– Chế phẩm vi sinh dạng bột nên dùng nước của ao nuôi hòa tan và sục khí mạnh 2 – 4 giờ trước khi sử dụng để gia tăng sinh khối vi khuẩn.

– Chế phẩm vi sinh dạng nước nên ủ yếm khí để gia tăng sinh khối trước khi sử dụng.

– Thời gian xử lý vi sinh tốt nhất vào khoảng 8 – 10h sáng, lúc nắng ấm, trời trong và hàm lượng oxy hòa tan cao.

– Cần định kỳ xử lý vi sinh để duy trì mật độ vi khuẩn thích hợp nhằm kiểm soát sinh học môi trường nước và đáy ao, ổn định các yếu tố môi trường ao nuôi, ngăn ngừa các loài vi khuẩn gây bệnh, tảo độc và mầm bệnh tiềm tàng trong ao.

Các yếu tố môi trường ao nuôi ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng chế phẩm vi sinh:

Oxy hòa tan: Vi khuẩn hiếu khí (Bacillus) và vi khuẩn hiếu khí nghiêm ngặt (VK nitrat) phải đảm bảo lượng oxy hòa tan đầy đủ có hiệu quả sử dụng. Khi oxy hòa tan thấp sẽ sử dụng không có hiệu quả.

Độ kiềm, độ mặn: nước có độ kiềm cao (80 – 150mg CaCO3/l) → pH ổn định, nước có độ kiềm thấp (50mg CaCO3/l) → pH dao động → hiệu quả sử dụng vi sinh giảm thấp. Độ mặn quá cao → gây chết hoặc ức chế sinh trưởng của vi sinh.

Thời tiết: ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của tảo và màu nước → ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vi sinh. Sử dụng vi sinh tốt nhất vào buổi sáng trời trong.

Dinh dưỡng: cần bổ sung C thì vi khuẩn nitrat mới thực hiện phản ứng khử N-NH3 → NO3 có hiệu quả.

Thời gian và tần suất sử dụng:

 – Nên sử dụng vi sinh ngay từ đầu vụ → hiệu quả cao.

– Từ giữa vụ đến cuối vụ sử dụng vi sinh → hiệu quả thấp.

– Đầu vụ 7 – 10 ngày sử dụng một lần, từ giữa đến cuối vụ 3 – 4 ngày sử dụng một lần.

Liều lượng sử dụng:

– Sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Sử dụng quá nhiều → mất cân bằng sinh thái, DO giảm, vật nuôi bị kích ứng stress.

– Sử dụng quá ít → không đạt hiệu quả tốt.

Nuôi cấy tăng sinh khối vi khuẩn:

– Một số chế phẩm vi sinh cần phải nuôi cấy để tăng số lượng vi khuẩn, cần nuôi cấy yếm khí để tránh tạp nhiễm.

– Một số chế phẩm vi sinh có mật số vi khuẩn cao không cần nuôi cấy tăng sinh khối có thể sử dụng trực tiếp vào ao nuôi. Tuy nhiên cần hòa vào nước và sục khí mạnh vài giờ trước khi tạt vào ao nuôi.

Các nhân tố khác:

– Nguyên sinh động vật quá nhiều sẽ ăn vi khuẩn → mật độ vi sinh giảm thấp.

– Sử dụng đồng thời chất diệt khuẩn, kháng sinh, thay nước,… sẽ giảm hiệu quả sử dụng vi sinh.

CÁCH PHÒNG TRỊ MỘT SỐ BỆNH TÔM BẰNG CHẾ PHẨM VI SINH

Tôm nổi đầu do khí độc:

– Hòa tan 2-3 lít EM gốc vào 20 lít nước lấy từ ao nuôi rồi tạt đều vào ao nuôi ngay lúc tôm nổi đầu.

– Mở các dàn quạt chạy hết công suất.

Tôm bị mòn đuôi, cụt râu:

– Sử dụng 2 lít EM tỏi + 10 kg thức ăn

– Trộn đều và ủ kín 4 giờ

– Cho tôm ăn với tỷ lệ: 1kg/100.000 tôm giống/ngày

– Hoặc sử dụng 50 lít EM2/1.000 m2/ngày, dùng liên tiếp 3 lần với khoảng cách 2 ngày/lần.

Tôm bị đóng rong:

– Dùng 4 lít EM5/1.000 m2, dùng liên tiếp trong 5 ngày vào buổi sáng.

– Khi tảo chết nhiều → pH thấp → dùng vôi để nâng pH.

Tôm bị bệnh đốm trắng:

– Sử dụng 5 lít EM5/1.000 m2/ngày, dùng liên tiếp trong 5 ngày vào buổi sáng.

– Khi tôm lột xác nhiều ngừng sử dụng EM5 và sử dụng 50 lít EM2/1.000 m2/2 ngày, dùng liên tiếp đến khi bệnh đốm trắng giảm dần (Thái Lan đã sử dụng có hiệu quả trên 10 năm).

Theo Kim Văn Tiêu, Trung tâm Khuyến Nông Quốc Gia, 01/01/1970

6 bình luận trong “Phương pháp gây màu nước trong ao nuôi tôm theo VietGAP”

Trả lời phản hồi cho Nguyễn Ngọc Chánh Hủy