Sục khí đáy trong nuôi tôm – Hoạt động không thể bỏ qua

Tại các ao nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, để đạt được kết quả tốt, điều quan trọng không chỉ ở chất lượng tôm giống, thức ăn mà còn là tất cả các bước trong khâu quản lí ao, đặc biệt là quản lí đáy ao. Trong đó, hoạt động sục khí là việc làm cần thiết, phải được thực hiện tại các ao nuôi tôm (nhất là trong các mô hình nuôi tôm thâm canh).

Tôm nuôi thương phẩm phải mất tối thiểu 120 ngày mới đạt kích cỡ yêu cầu. Trong khoảng thời gian khá dài như vậy, nếu ao không được quản lí tốt, một lượng lớn chất thải có thể tích tụ, bao phủ toàn bộ đáy ao. Nếu chất thải không được dồn vào trung tâm của đáy ao, diện tích đáy ao sạch sẽ bị thu hẹp, tôm không có đủ không gian để hoạt động và sinh sống, tôm tăng trưởng kém và dễ mắc bệnh. Đáy ao sẽ càng bẩn hơn nếu thời gian nuôi tôm kéo dài hơn mức bình quân 4 tháng.

Tại các ao không có đủ quạt nước, các vấn đề về sức khỏe thường bắt đầu xảy ra khi tôm được 60 ngày tuổi. Hiện tượng này thường gặp ở các mô hình nuôi ao đất (được sử dụng phổ biến cho nuôi tôm tại nhiều quốc gia) và khi tôm nuôi với mật độ trên 30 con/m2 được cho ăn thức ăn viên. Nhiều người lầm tưởng rằng, lí do duy nhất để lắp quạt nước trong ao là tăng lượng ôxy hòa tan trong nước nên không quan tâm đúng mức đến số lượng của thiết bị sục khí tương ứng với kích thước của ao, và không chú trọng vị trí lắp thiết bị để máy có thể tạo dòng nước cuộn chất cặn vào trung tâm của đáy ao (ngay cả khi tôm được nuôi với mật độ trên 30 con/m2).

Ngoài ra, nhiều hộ nuôi cũng bỏ qua tầm quan trọng của sử dụng quạt nước vào thời gian đầu của ao nuôi khi tôm còn nhỏ, vì nghĩ rằng chất lượng nước tốt khi bắt đầu và hàm lượng ôxy hoà tan là đủ cho tôm nhỏ, và lượng chất thải từ thức ăn vẫn còn ít nên không cần thiết phải bật hệ thống quạt nước. Nhưng nếu chỉ quan tâm hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thì khi trời nắng, thực vật phù du sẽ được quang hợp, giải phóng ôxy vào trong nước, như vậy sẽ có đủ (thậm chí là nhiều) ôxy cho tôm ngay cả khi đã tắt hệ thống quạt nước. Tuy nhiên, việc mở hệ thống quạt nước định kì trong ngày (ngay cả khi mặt trời chiếu sáng) là cần thiết. Bởi vì, dòng chảy của nước sẽ giúp cân bằng nhiệt độ nước ở các độ sâu khác nhau trong toàn bộ ao và ôxy được tạo ra từ hoạt động quang hợp của thực vật phù du ở tầng mặt nước sẽ được phân phối tới các độ sâu thấp hơn.

Thông thường, ôxy nhanh chóng bị cạn kiệt gần đáy ao (nơi các vi khuẩn đang sử dụng ôxy để phân hủy các chất hữu cơ). Do đó, thay vì chỉ bật quạt nước khi mặt trời lặn hoặc để quạt nước hoạt động vào ban đêm đến sáng sớm, thì hàng ngày sau mỗi lần kiểm tra các vó thức ăn cũng nên bật máy để khu vực cho tôm ăn luôn sạch sẽ. Việc sử dụng hệ thống quạt nước không chỉ đơn giản làm tăng lượng ôxy hòa tan trong nước mà còn giữ cho hầu hết các khu vực của đáy ao sạch, tạo không gian sống cho tôm.

Số lượng và vị trí lắp thiết bị sục khí đáy ao:

Tại một số quốc gia, số lượng và vị trí của các thiết bị không tương ứng với số lượng tôm trong ao. Thông thường số lượng này không đủ cho mục tiêu sản xuất của người nuôi. Hầu hết người nuôi tôm sú và tôm thẻ đều thả tôm giống với mật độ cao và chỉ lắp vài hệ thống quạt nước. Sau khi tôm được 50-70 ngày, chúng bắt đầu giảm ăn và có thể có phân trắng, một số bị chết. Điều này là do môi trường trong ao nuôi không phù hợp. Chất lượng nước có liên quan đến diện tích đáy ao không sạch. Nếu không có đủ không gian sạch và toàn bộ đáy ao bị phủ bởi bùn, chất lượng nước sẽ giảm. Việc không lắp đủ hệ thống quạt nước và đặt đúng vị trí để tạo dòng chảy thích hợp cuộn tất cả chất hữu cơ vào trung tâm của ao diễn ra khá phổ biến.

Chỉ lắp đặt hệ thống quạt nước ở hai bờ của ao:

Ở nhiều nước châu Á, các trang trại nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng với mật độ từ 30-40 con/m2, thiết bị sục khí chỉ được lắp tại hai bờ của ao, khiến tôm giảm ăn, phát triển chậm và có hiện tượng mềm vỏ sau khoảng 40-50 ngày nuôi. Nếu ao được chuẩn bị đúng cách sau vụ nuôi trước đó và chất lượng nước ở điều kiện tốt để có đủ lượng sinh vật phù du và thức ăn tự nhiên sẽ giúp tôm phát triển tốt trong tháng đầu tiên (hoặc lâu hơn) nhưng sau 40-50 ngày, nhiều chất thải và cặn bã được hình thành từ các phần khác nhau của ao nuôi (như: xác sinh vật phù du, các hạt đất bị xói mòn từ bên trong ao do dòng chảy của quạt nước)… khiến hàm lượng ôxy của các vùng này giảm.

Trong khi đó, số quạt nước không đủ, không thể phân phối ôxy đi khắp tất cả các phần của ao. Khi tôm lớn hơn, chúng thường dành phần lớn thời gian ở gần đáy ao (trong khu vực sạch nhất) hoặc trong phạm vi khoảng 50m ở phía trước các thiết bị sục khí. Điều này dẫn tới, hai bên của ao không có thiết bị sục khí và khoảng giữa của ao sẽ bị bẩn bởi sự gia tăng các chất cặn bã và hàm lượng ôxy hòa tan tại các vùng này giảm dần. Trong trường hợp này, xu hướng chung là thu hoạch tôm sớm khi kích thước tôm thấp hơn mức mục tiêu. Kích thước thông thường của tôm sú thương phẩm được nuôi với mật độ 30-40 con/m2 là 25-40 gram/con, nhưng khi sục khí không đủ, tôm có thể mắc bệnh và bị thu hoạch sớm khi có trọng lượng chỉ là 10 gram/con.

Biện pháp được khuyến cáo là: Cho dù với tôm sú hay tôm thẻ chân trắng thì cũng chỉ nên thả với mật độ thấp hơn (12-15 con/m2) để có thể tăng kích cỡ thu hoạch tôm lên 30-40 gram/con. Khi số lượng tôm ít hơn, lượng tiêu tốn thức ăn ít hơn. Thức ăn có thể đến được các khu vực sạch ở phía trước của quạt nước, nơi lưu thông nước là tốt nhất, và tôm sẽ phát triển đồng đều. Tuy nhiên, vẫn cần có sự quản lí tốt về chất lượng nước. Thường xuyên đo để đảm bảo mức độ ôxy hòa tan được duy trì ít nhất là 4 mg/lít (tức: 4 ppm), độ pH 7,5-8,3 và độ kiềm không thấp hơn 80 mg/lít. Nước không nên quá trong, vì nước quá trong khiến tôm ăn ít dẫn tới dư thừa thức ăn. Thức ăn còn sót lại thúc đẩy sự phát triển của tảo ở đáy ao. Sau một thời gian, tảo nổi lên trên bề mặt ao, nhưng khi tảo chết, chúng chìm xuống đáy ao, gây tích tụ amoniac và chất thải ở đáy, gây ảnh hưởng xấu tới tôm nuôi.

Hệ thống quạt nước được đặt xung quanh ao, nhưng diện tích các ao lại quá lớn:

Tại hầu hết các trang trại mà tôm được thả với mật độ cao, có đủ quạt nước (ví dụ: một ao có diện tích 1 ha, được trang bị 8 hệ thống quạt nước được đặt tại các điểm khác nhau ở khắp ao, mỗi hệ thống có công suất 2 mã lực và có 4 tay quạt). Đây là cách bố trí phổ biến tại các trại nuôi thâm canh (tôm sú trên 30 con/m2, tôm thẻ chân trắng trên 40 con/m2). Khi 8 hệ thống quạt nước 2 mã lực được bố trí trong diện tích 1 ha thì khoảng cách giữa các hệ thống khá xa nhau và duy nhất khu vực trong phạm vi 40m ở phía trước mỗi hệ thống quạt sẽ được giữ sạch.

Hầu hết các trại tôm như thế này, quạt nước được đặt ra xa hơn 5m tính từ bờ ao. Đây là một trở ngại lớn, vì các hệ thống quạt nước cách xa bờ của ao. Sau tháng đầu tiên, khu vực xung quanh bờ ao sẽ rất bẩn. Cách giải quyết là: Trong giai đoạn đầu, phải có các thiết bị sục khí đặt gần bờ hơn, hoặc không quá 3-4m so với bờ ao. Sau 30-40 ngày, tiến hành bổ sung thêm hệ thống quạt nước hoặc di chuyển các quạt nước xa bờ thêm 1m. Trong tháng cuối cùng của giai đoạn nuôi, hệ thống quạt nước nên được đặt 5-6m so với bờ ao, điều này sẽ giúp cho đáy ao sạch.

Khi tôm nuôi ở mật độ cao, số lượng các thiết bị sục khí cần thiết cho mỗi ao phải được quyết định dựa trên các nguyên tắc:

Hệ thống quạt nước 1 mã lực là đủ cho 440 kg tôm (kích cỡ trên 15 gram) trong hình thức nuôi không thay nước thường xuyên trong hai tháng đầu và không có cống xả trung tâm. Trường hợp có cống xả trung tâm, hoạt động trong suốt thời gian nuôi và nước ao nuôi được thay thường xuyên thì một mã lực có thể dùng cho 700 kg tôm. Nếu số lượng quạt không tương ứng với số lượng tôm, nhất thiết phải cài đặt thêm hệ thống quạt nước, đặc biệt trong các tháng cuối của quá trình nuôi (có thể đặt thêm 4 quạt nước gần trung tâm của ao). Trường hợp không thể đặt thêm quạt nước, nên tỉa thưa số lượng tôm (nhưng phải thực hiện khi tôm có sức khỏe tốt).

Có thể kiểm tra độ sạch/bẩn của đáy ao bằng cách quan sát mang của tôm. Thông thường, mang tôm có màu sáng bóng, nếu thấy chuyển màu tối là đáy ao bẩn. Ban đầu, mang tôm chuyển sang màu vàng đến màu nâu và sau đó là nâu thẫm. Mặc dù vậy, tôm vẫn ăn bình thường. Tại thời điểm này, nếu phát hiện sớm và xử lí kịp thời đáy ao, mang tôm sẽ trở lại bình thường, tôm phát triển tốt. Ngược lại, mang chuyển sang màu đen, tôm bỏ ăn, một số di chuyển tới quanh bờ ao. Ngay khi thấy các hiện tượng này, người nuôi phải nhanh chóng đặt thêm hệ thống quạt nước nhằm tạo ra nhiều dòng chảy và giữ sạch đáy ao. Sau khi lột xác, mang của tôm sẽ trở lại bình thường, tôm ăn trở lại.

Số lượng tối ưu của hệ thống quạt nước phụ thuộc vào mục tiêu sản xuất. Tuy nhiên, quy tắc chung được khuyến nghị bởi những người nuôi tôm có kinh nghiệm ở Thái Lan là: Với tôm thẻ chân trắng, mật độ trên 80 con/m2, sẽ cần hệ thống quạt 36 mã lực/ha. Yêu cầu: vị trí đặt mỗi hệ thống phải được tính toán hợp lí. Các thiết bị sục nên đặt cách bờ bằng 1/3 chiều rộng của ao, để khoảng diện tích giữa ao cho các chất cặn lắng tụ gom vào. Có thể đặt hệ thống quạt cánh dài 3 mã lực gần các bờ của ao và 2 mã lực cho thiết bị thổi khí đáy (thiết bị thổi khí chỉ phù hợp với ao sâu và nền đáy chắc chắn, không thích hợp với các ao cạn và ao có đất cát vì khi máy hoạt động, sẽ thổi tung các chất thải lắng, làm đục nước ao). Khi đã lắp đặt xong các hệ thống sục khí, cùng lúc bật tất cả các hệ thống, nếu thấy nước chảy vòng quanh khắp ao, chứng tỏ số lượng lắp đặt là đủ, ao sẽ được giữ sạch.

Tại các ao có cống xả trung tâm:

Cống xả trung tâm, tức: ống xả cặn ở trung tâm của ao. Những ao có hệ thống xả này, trong suốt quá trình nuôi, chất thải thường xuyên được hút ra, nước sạch được bơm vào, vì vậy, có thể tăng mật độ nuôi (do ao có nhiều vùng sạch ở đáy hơn và hàm lượng ôxy hòa tan cao hơn). Tuy nhiên, khi lắp cống xả trung tâm, cần đồng thời thiết kế ao xử lí. Ao lắng này sẽ chứa các chất thải và bùn đất được xả ra từ cống thải. Nếu không có ao xử lí, nước thải được bơm trực tiếp vào kênh rạch, cửa sông, biển, sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, phá hủy môi trường. Có nhiều loại cống xả trung tâm. Một số trại sử dụng hệ thống hút đáy: Dùng ống nhựa dẻo hút thủ công chất thải từ trung tâm của ao nuôi ra ngoài. Cách thứ hai, có thể hiệu quả hơn: Dùng máy hút chất lắng, cặn ở chỗ trũng của trung tâm ao nuôi, đưa tới ao chứa chất thải.

Nhìn chung, sục khí đáy là hoạt động không thể bỏ qua. Số lượng của hệ thống sục phụ thuộc diện tích ao nuôi và mục tiêu sản xuất. Việc xác định ví trí phù hợp để lắp đặt hệ thống sục khí cũng là điều cần phải quan tâm. Chỉ như vậy, người nuôi tôm mới đạt được các mục tiêu về năng suất, sản lượng, kích cỡ…

Theo theo ABRC

Ý kiến của bạn