“Đăng liều” thành đạt nhờ “lao” theo cá bông lau

Nhìn từ xa, mảnh đất rộng mênh mông đầy lau sậy, cỏ dại nằm xen giữa cánh đồng nuôi tôm công nghiệp ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, không ít người phải luyến tiếc khi giá tôm đang ở mức rất cao như hiện tại.

Khi đến gần, khu đất rộng khoảng 10ha này dù đã được xẻ mương thẳng tắp, nối thông với nhau, nhưng mặt nước cặp theo các bờ cỏ cây ngả rạp đã che kín, những khoảng trống mặt nước còn lại cũng yên lặng… Nhưng đó lại là nơi tạo cảnh tự nhiên để gây nuôi những loài cá da trơn có giá trị cao của một ông chủ trẻ – Nguyễn Tâm Đăng đến từ thị xã Gò Công – cách đó hơn hai chục cây số.

Cơ duyên với cá bông lau

Là dân miệt cửa sông, năm 2007, anh Nguyễn Tâm Đăng (cư dân phường 3, thị xã Gò Công – Tiền Giang) đã phải vét túi để mua một con cá bông lau nặng khoảng 7kg với giá 120.000 đồng/kg, gấp gần năm lần giá cá tra. Từ thực tế này đã gợi cho anh Đăng suy nghĩ: “Loài cá này cùng họ cá tra, xứ mình dù không có nhiều lắm, nhưng nó cũng có ở ngoài tự nhiên, vậy sao nó mắc dữ vậy mà không ai nuôi trong khi cá tra đang trên đà tuột dốc”.

Từ đó, ý tưởng về việc nhân nuôi loài cá có giá trị cao này đã thôi thúc anh lục lọi, tìm kiếm nhiều tài liệu nghiên cứu, thành tựu khoa học và tiếp cận các ứng dụng thực tế về loài cá này. Từ những thông tin về việc cư dân làng chài ở cửa Tiểu, cửa Đại, Trần Đề… cứ tới mùa lại bắt được những con cá con thuộc họ da trơn nhỏ bằng đầu đũa đã tạo động lực giúp anh Đăng từ bỏ luôn nghiệp cơ khí mà anh đã theo học tại đại học Bách khoa TP.HCM trước đó. Nhưng làm sao để bắt được nhiều con cá giống ngoài tự nhiên, giữ cho nó sống và nuôi nó thành cá thương phẩm bằng những nguồn thức ăn hiện có trên thị trường… là chuỗi những bài toán mà anh Đăng phải tự giải lúc bấy giờ. Trong khi đó, theo tìm hiểu của anh Đăng, cũng vào những năm 2000, một dự án của cộng đồng châu Âu đã đầu tư nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá bông lau trên sông Mekong vẫn không thu được kết quả như mong muốn. “Vậy là phải mò mẫm thôi!”, anh Đăng quyết định. Vậy là, cứ tới mùa cá con xuất hiện ở những vùng cửa sông, anh Đăng lại bám theo những con tàu đánh bắt để mua gom những con cá con bắt được từ tự nhiên, đem về thuần dưỡng, nuôi thử.

Tuy nhiên, lúc đầu, mặc dù anh Đăng đem số cá con còn sống sót về thuần dưỡng nuôi trong ao đất, nước tĩnh – thay vì dòng chảy như ngoài thiên nhiên, thế nhưng cá con vẫn chết. Làm thử nhiều lần như vậy, cá vẫn chết, gia đình và người thân của anh tỏ ý ngăn cản, nhưng anh Đăng vẫn cương quyết: “Đã phóng lao thì phải theo lao”, nên có không ít người gọi anh là “Đăng liều”.

Thuần dưỡng cá tự nhiên

Thuần dưỡng được con giống đánh bắt từ thiên nhiên ở khu vực cửa biển là một việc hết sức khó. ThS Huỳnh Hữu Ngãi, cán bộ của trung tâm quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ (viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2) cho biết: “Tại trung tâm này, ngay cả con giống bố mẹ cũng phải được nuôi thuần trong bè nuôi mà chưa thể nuôi được trong ao đất”. Tuy nhiên, sau nhiều lần thay đổi những thức ăn viên cho cá ăn, cuối cùng anh Đăng đã thành công trong việc thuần dưỡng, nhân nuôi các loài cá da trơn từ tự nhiên. Vụ nuôi đầu tiên năm 2010 – 2011, anh Đăng đã thuần dưỡng được khoảng 100.000 con giống cá da trơn các loại (gồm cá tra bần, cá bông lau, cá dứa) có nguồn gốc tự nhiên. Sau quá trình chọn lựa con giống khoẻ, anh Đăng đã thuê 10ha đất ở huyện Tân Phú Đông để thả nuôi thử nghiệm khoảng 23.000 con giống. Sau khoảng 12 tháng nuôi cá đạt trọng lượng 1 – 1,2 kg/con, anh thu hoạch được khoảng 20 tấn cá thương phẩm.

Cá giống có tập tính hoang dã sau thời gian thuần dưỡng đã quen với thức ăn nuôi công nghiệp.
Cá giống có tập tính hoang dã sau thời gian thuần dưỡng đã quen với thức ăn nuôi công nghiệp.

Với kinh nghiệm tích luỹ được, anh Đăng cho biết: “Cá bông lau và cá dứa hầu như không thể phân biệt được ở giai đoạn cá giống, tuy nhiên, cách nhận dạng chung là hai loài cá này có sống lưng ánh lên màu xanh nhạt, đuôi vàng, viền đuôi hơi tím; trong khi đó cá tra bần có lưng, vây, đuôi đều màu vàng. Cá giống đánh bắt từ tự nhiên hiện tại có khoảng 10% là cá tra bần, loài này dễ thuần dưỡng hơn cá bông lau, cá dứa.” Vụ ương giống năm 2011 – 2012, anh Đăng đã thuần dưỡng và thả nuôi được hơn 31.000 con giống, hiện cá đã đạt bình quân 1kg/con. Bên cạnh đó, vụ cá giống năm 2013 – 2014, anh Đăng cũng đang chuẩn bị khoảng 500.000 con giống các loại cho vụ nuôi tiếp theo và cung ứng cho các đơn đặt hàng. Trong khi đó, cách nay bốn năm, trung tâm quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ đã thành công trong việc cho cá bông lau sinh sản nhân tạo. Tuy nhiên, theo ThS Huỳnh Hữu Ngãi thuộc trung tâm này, việc ương nuôi dù trong điều kiện nuôi trong bể, thì tỷ lệ đạt cũng chỉ khoảng 50%, nên sản lượng hàng năm của trung tâm này chỉ ương nuôi được khoảng 30.000 – 40.000 con giống.

Dù đã có những thành tựu trong sinh sản nhân tạo cá giống bông lau, nhưng theo “chuyên gia” giống tự nhiên Nguyễn Tâm Đăng, con giống nguồn gốc thiên nhiên dù khó thuần dưỡng bằng thức ăn công nghiệp, nhưng khi được nuôi dưỡng trong môi trường nước tĩnh, nó sẽ có sức đề kháng rất cao do trước đó, nó đã trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên. “Mô hình tui đang nuôi là bán thiên nhiên, nên cần diện tích rộng, phải có nguồn nước tốt thay đổi thường xuyên giúp cá thơm thịt một cách tự nhiên và quan trọng nhất là trong suốt quá trình nuôi không được sử dụng thuốc, chất hoá học”, anh Đăng nói.

Ngày càng quý hiếm

TS Bùi Minh Tâm, phó trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thuỷ sản nước ngọt, khoa thuỷ sản (đại học Cần Thơ) cho biết cá bông lau hiện tại đã rất hiếm, kế đến là cá tra bần… tuy nhiên, việc phân loại, tên gọi thông qua đặc điểm của từng giống vẫn chưa thật sự rõ ràng. Hiện viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 đang có dự án nghiên cứu định danh ba loài cá (bông lau, dứa, tra bần) này. Trong thực tế, ở vùng nước lợ, nhiều người gọi là cá dứa, nhưng ở vùng nước mặn, chính con cá này lại được gọi là cá tra bần.

Theo TS Tâm, các loài cá này có vùng sinh sản từ khu vực thác Khone (Nam Lào) đến khu vực Kratie (Campuchia), cá hương sẽ trôi và phát triển dần về vùng hạ lưu ra các cửa sông Cửu Long. Do tập tính sinh trưởng đòi hỏi các yêu cầu kỹ thuật cao, nên các mô hình nuôi hiện tại thường tập trung ở các trung tâm nghiên cứu, hoặc trung tâm giống thuỷ sản thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). ThS Huỳnh Hữu Ngãi cũng thừa nhận: “Với số lượng hạn chế khoảng 500 con kể cả cá bố mẹ và đàn hậu bị, nên trong tương lai gần, chỉ có thể phát triển sản lượng con giống cá bông lau tới mức trên dưới 100.000 con giống/năm”.

Đánh giá về chất lượng con giống hiện có ở đồng bằng sông Cửu Long, TS Tâm nói: “Cá giống sinh sản nhân tạo do đã thuần hoá, nên ăn được thức ăn viên từ lúc nhỏ, lớn nhanh, nhưng sức đề kháng sẽ kém. Con đánh bắt tự nhiên phải tạo điều kiện cho chúng thích nghi dần, hao hụt lớn, giá thành cao. Nhưng, về mặt di truyền, sử dụng con giống tự nhiên trong nuôi thương phẩm sẽ tốt hơn”. Tuy nhiên, TS Tâm cũng lo ngại sản lượng cá bột trên sông Cửu Long đã giảm dần kể từ khi có những thành công đầu trong sinh sản nhân tạo con giống cá tra, mà theo ông, có thể do nhiều tác động từ điều kiện di cư, sinh sản, công trình thuỷ điện, phương pháp đánh bắt của cư dân trên lưu vực sông.

Để tái tạo nguồn cá tự nhiên, hàng năm đã có những hoạt động thả các giống cá quý hiếm về môi trường tự nhiên. Mặc dù không phủ nhận các hoạt động này, nhưng TS Tâm cũng băn khoăn: “Liệu người cho cá đẻ nhân tạo có đảm bảo được các cá thể cá bố mẹ là thuần chủng hay không, nếu điều này không đạt được, thế hệ con lai sẽ rất nguy hiểm khi thả ra môi trường”. Về di truyền, theo TS Tâm, nên tạo điều kiện cho cá đẻ tự nhiên hơn là sinh sản nhân tạo rồi thả cá con ra ngoài thiên nhiên.

Theo Ngọc Tùng, SGTT

Ý kiến của bạn