Kết quả nghiên cứu ương nuôi tôm hùm giống

Tôm hùm bông (Panulirus ornatus) là 1 trong 7 loài tôm hùm phân bố ở vùng biển Việt Nam. Với những ưu điểm nổi trội như tăng trưởng nhanh, kích thước lớn, chất lượng thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao so với các loài khác, tôm hùm bông là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả cao cho nhiều người dân khu vực ven biển miền trung. Cho đến nay, công nghệ nuôi tôm hùm lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao chỉ có ở Việt Nam, mà ở đó con giống được khai thác từ tự nhiên.

Nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển dẫn đến nhu cầu cung cấp giống ngày càng cao. Tuy nhiên, ở nước ta, sản xuất giống nhân tạo tôm hùm vẫn chưa thành công vì thời gian biến thái ấu trùng quá dài dẫn đến nhiều rủi ro trong quá trình nghiên cứu, vì vậy nghề khai thác tôm hùm con ngoài tự nhiên vẫn phát triển.

Kết quả của việc ương nuôi tôm hùm con lên tôm hùm giống phục vụ nuôi tôm thương phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có khoảng thời gian lưu trữ giống sau khi khai thác, thức ăn, mật độ ương nuôi cũng như chế độ quản lý, chăm sóc. Ở nước ta hiện nay chưa có một công bố nào về quy trình công nghệ ương nuôi tôm hùm lồng. Hiện nay việc nuôi tôm hùm lồng hoàn toàn tự phát, người nuôi dựa vào kinh nghiệm là chính nên kết quả mang lại cũng khác nhau: tỷ lệ sống thường không ổn định (20-95%), tiềm ẩn mầm bệnh trong tôm ương.

Xuất phát từ thực tế đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã nghiên cứu quy trình công nghệ ương nuôi tôm hùm lồng, trên cơ sở đó xây dựng mô hình ương nuôi tôm hùm giống đạt tỷ lệ sống cao và sạch một số bệnh thường gặp để đáp ứng đầy đủ nhu cầu con giống phục vụ nuôi tôm hùm lồng thương phẩm.

Nghiên cứu thời gian lưu giữ tôm hùm giống thích hợp sau khai thác cho ương nuôi được tiến hành trong 75 ngày tại vùng ương nuôi tôm hùm khu phố Phước Lý, Sông Cầu, Phú Yên, với con giống có chiều dài trung bình 6,7mm, khối lượng trung bình 0,27g, được thả nuôi ở mật độ 100 con/lồng 1m3, độ sâu 2m tính từ đáy lồng. Quá trình nuôi tôm thí nghiệm được kiểm tra hàng ngày, sau 15 ngày nuôi tôm được kiểm tra tỷ lệ sống, kích thước, khối lượng và được chuyển sang lồng nuôi mới.

Kết quả sau 75 ngày nuôi, chiều dài, khối lượng tôm tăng lên 15,84mm, 5,33g, tỷ lệ sống đạt 90,67% (đối với tôm hùm được nuôi sau 24 giờ khai thác), tăng 15,51 mm và 5,09g, tỷ lệ sống đạt 80,33% (đối với tôm hùm được nuôi sau 48 giờ khai thác), tăng 15,27 mm và 4,84 g, tỷ lệ sống đạt 53,67% (đối với tôm hùm được nuôi sau 72 giờ khai thác).

Thí nghiệm ương nuôi tôm hùm giống tại chính vùng khai thác trong thời gian ngắn sau đó được chuyển đến ùng ương nuôi thích hợp, được tiến hành 10 ngày tại bán đảo Sơn Trà, phường Thọ Quang, Đà Nẵng. Sau đó, tôm hùm con được chuyển vào vùng ương nuôi tôm hùm thuộc khu phố Phước Lý, Sông Cầu, Phú Yên ương nuôi trong 65 ngày tiếp theo.

Tôm thí nghiệm được nuôi có chiều dài trung bình 6,68mm, khối lượng 0,27g, được thả với mật độ 100 con/lồng 1 m3, độ sâu 2 m tính từ đáy lồng, thức ăn từ nguồn giáp xác (lấy từ phần thịt cua, ghẹ nhỏ). sau 10 ngày ương nuôi tại Đà Nẵng, tôm đạt chiều dài 7,54mm, trọng lượng 0,35g, tỷ lệ sống 98,33%. Sau 65 ngày ngày ương nuôi tại Phú Yên, chiều dài đạt 15,91mm, khối lượng 5,36g, tỷ lệ sống 91,67%.

Như vậy, để đảm bảo ương nuôi tôm hùm giống có tỷ lệ sống cao thì thời gian lưu giữ tôm hùm trắng sau khai thác càng ngắn càng tốt: sau 75 ngày nuôi, tỷ lệ sống tôm hùm giống đạt 90,67% với nguồn tôm hùm giống sau 24 giờ lưu trữ, trong khi đó tỷ lệ sống chỉ đạt 53,76% với thời gian lưu trữ là 72 giờ. Ngoài ra, việc ương nuôi tôm hùm giống ngay tại vùng khai thác trong thời gian ngắn (10 ngày) cũng mang lại kết quả tốt cho việc ương nuôi tôm hùm giống sau này (tỷ lệ sống đạt 91,67% sau 75 ngày nuôi).

Theo Thu Hiền, fistenet, 20/08/2015

Ý kiến của bạn