Người nuôi cá tra đòi công bằng

Trước sự việc Bộ NN&PTNT chấp nhận đề xuất của doanh nghiệp và kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 36, với những điều khoản có nguy cơ đưa ngành cá tra lùi thêm nhiều bước, người nuôi cá tra đã rất bức xúc.

Mới đây, ông Hồ Hữu Trí (địa chỉ: Số ¼ ấp Thuận Thới, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), người có nhiều vùng nuôi cá tra ở các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang đã có kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Thủy sản Việt Nam xin được lược đăng:

Được biết, ngày 28/10/2015, Bộ NN&PTNT có tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP, trong đó sửa đổi Điều 6 về điều kiện chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến. Theo đó, thay vì áp dụng từ ngày 1/1/2016 phải thực hiện mạ băng không quá 10%, hàm lượng nước tối đa không quá 83% thì nay Nghị định sửa đổi cho mạ băng 20% và hàm lượng nước 86% vô thời hạn. Nếu cho hàm lượng nước 86% là đồng nghĩa cho bơm nước vào cá fillet 40% (bằng hình thức quay tăng trọng), cộng với mạ băng 20% nữa thì tổng lượng nước vào cá là 60%; như vậy, phần cá xuất khẩu đi chỉ còn 40%. Đây là một nghịch lý và quá thiệt thòi cho những người nông dân nuôi cá như chúng tôi cũng như người tiêu dùng.

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL – Ảnh: Ngọc Trinh

Bộ NN&PTNT quy định cho người nuôi cá phải theo quy trình VietGAP để đảm bảo chất lượng, nhưng lại cho doanh nghiệp chế biến bơm nước vào cá 40%. Việc này sẽ khiến uy tín cá tra Việt Nam tiếp tục xấu đi. Hơn nữa, cho bơm nước vào cá tra fillet xuất khẩu cũng giống như bơm tạp chất vào tôm và bơm nước vào động vật trước khi giết mổ. Tại sao hiện nay Nhà nước nghiêm cấm việc bơm tạp chất vào tôm và bơm nước vào động vật mà lại cho bơm nước vào cá tra fillet?

Cá tra là ngành hàng chiến lược quốc gia, tại sao không giữ sản phẩm chất lượng làm thương hiệu để xuất khẩu bền vững như ngành cá hồi Na Uy, nhất là khi hiện nay tất cả các nước trên thế giới đều quan tâm vấn đề chất lượng và thương hiệu?

Các doanh nghiệp chế biến làm sản phẩm kém chất lượng rồi hạ giá bán, sau đó quay về ép lại nông dân. Đây là nguyên nhân khiến người nuôi cá tra từ năm 2012 đến nay luôn phải bán cá dưới giá thành 2.000 – 4.000 đồng/kg, đẩy hàng chục nghìn nông dân nuôi cá tra vào cảnh khốn cùng. Và rồi lại cảnh báo nông dân nuôi ít đi (Vì thà nuôi ít mà có lãi còn hơn nuôi nhiều mà nghèo khổ!).

Nghị định 36 phải rất lâu mới xây dựng được và khi ra đời thì người dân nuôi cá rất vui mừng, nhưng nay vì một số doanh nghiệp chế biến cá tra mà lại sửa… thì quả thật rất đáng tiếc. Và hơn nữa, nếu Nghị định vẫn được sửa đổi như tinh thần triển khai ngày 28/10/2015 thì ai cũng nhận thấy, các doanh nghiệp chế biến cá tra sẽ tiếp tục bán rẻ tài nguyên quốc gia và bán rẻ sức lao động của người nông dân!

Ngành cá tra đã xuất khẩu đến 140 thị trường, mà gần như nguyên liệu chỉ có ở Việt Nam. Như vậy là độc quyền xuất khẩu. Thế mà các doanh nghiệp chế biến cá tra lại cạnh tranh không lành mạnh, đua nhau hạ giá để lấy đơn hàng. Hạ giá bán xuống dưới giá thành sản xuất, sau đó lại ép người nuôi và bày ra cách đưa 60% nước vào cá tra fillet xuất khẩu. Với cách làm này của các doanh nghiệp thì việc sửa đổi Nghị định 36 theo ý của họ có xứng đáng hay không?

Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xem xét lại. Nếu để doanh nghiệp chế biến cá tra tiếp tục xuất khẩu sản phẩm kém chất lượng thì ngành cá tra sẽ phá sản và hàng chục nghìn nông dân nuôi cá cũng không có lối thoát.

Trên đây là một số ý kiến của tôi – một người nuôi cá tra ở ĐBSCL với mong muốn để ngành phát triển tốt hơn và người dân nuôi cá thoát cảnh phá sản, nợ nần, ngoài ra không có ý nào khác hơn.

Kính thư

Theo Hồ Hữu Trí, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 23/11/2015

Ý kiến của bạn