Nuôi cá dìa giúp tăng thu nhập và cải tạo môi trường ao tôm

Đối với nông dân, một trong những khó khăn trong nuôi tôm chính là xử lý nạn ô nhiễm môi trường nước. Khắc phục khó khăn này, nhiều hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển mô hình nuôi cá dìa kết hợp với con tôm sú.

Cá dìa có đặc tính thích ăn tạp. Do vậy, cá dìa sẽ ăn rong, tảo và một phần thức ăn dư thừa cùng những mùn bã hữu cơ giúp môi trường nước ao nuôi được sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh. Đây cũng là giải pháp góp phần cải thiện môi trường ao nuôi và sử dụng nguồn thức ăn có hiệu quả.

Theo kinh nghiệm của nông dân Thừa Thiên – Huế, nếu cá giống lớn, mật độ thả ghép thưa khoảng 1 con/m2, sau 4 – 5 tháng nuôi cùng tôm, cá dìa có thể cho thu hoạch 0,8 – 1 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt 60% trở lên, lợi nhuận từ 70 – 80 triệu đồng/ha. Quan trọng hơn, khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.

Một ưu điểm khác của cá dìa là có thể nuôi ngay trong ao tôm bị dịch bệnh. Cá dìa sẽ tiêu diệt các mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm. Nông dân có thể thả cá với mật độ từ 2 – 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế hoặc cám công nghiệp. Sau 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 – 1kg/con, tỷ lệ sống cao.

Cá dìa ăn thức ăn tự nhiên nên chi phí đầu tư thức ăn thấp. Tuy nhiên, nông dân cũng cần chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường, vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết…

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ đã sản xuất giống cá dìa nhân tạo thành công. Vì vậy, nông dân có nhu cầu nuôi có thể liên hệ với các địa chỉ trên để mua con giống và tìm hiểu thông tin, kỹ thuật nuôi.


Kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất kết hợp tôm sú

Dìa là loại cá có giá trị kinh tế cao và dễ nuôi với mô hình nuôi cá dìa trong ao đất kết hợp tôm sú.

Cải tạo ao

Sau khi cày xới mặt ao dùng 500kg vôi bột rải đều, đặc biệt bón nhiều ở những chỗ còn đọng nước. Dùng phân vi sinh và NPK để gây màu nước với hàm lượng 10kg phân vi sinh/100m2 và 3kg phân NPK/100m2.

Thả giống

Trên diện tích 5.000m2, thả 2.500 con cá dìa giống cỡ 50-70g/con, 7.500 con tôm sú giống.

Chăm sóc

Có thể tận dụng thực vật thủy sinh, mùn bã hữu cơ, rong tảo làm thức ăn cho cá dìa. Có thể chế biến thức ăn từ ngũ cốc, cá tạp. Trong quá trình nuôi, cá dìa thường mắc một số bệnh ký sinh trùng và nhiễm khuẩn, nên xử lý bằng formol (100%) với nồng độ 100-150ppm.

Theo Hai Lúa, Báo Bạc Liêu, 10/10/2014

Ý kiến của bạn