Từ nghề thợ hồ với thu thập bấp bênh, nhờ mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt, ông Lê Minh Thành (SN 1958, trú thôn Tất Viên, xã Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam) đã trở thành người có thu nhập cao ở làng quê này.
Xuất bán 30 tấn cá mỗi năm
Với khát vọng làm giàu, ông Thành chọn mô hình nuôi cá lóc để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi lên mạng tìm hiểu kỹ năng nuôi cá cộng với việc tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình nuôi cá thành công trên địa bàn tỉnh, đầu năm 2013, ông Thành tích góp và vay mượn khắp nơi để có đủ 1,3 tỷ đồng đầu tư xây dựng 15 bể nuôi cá, công trình nhà đông lạnh chứa thức ăn và hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.
Sau khi tìm hiểu thị trường, ông Thành vào tận Đồng Nai để nhập cá giống. Nguồn thức ăn thường xuyên để nuôi cá lóc là cá vụn còn tươi được nhập từ các cảng cá ở Quảng Nam và Đà Nẵng.
Ông Thành cho biết: “Hiện tại, tôi nuôi 13 bể cá lóc và 2 bể cá trê, mỗi ngày tiêu thụ hơn 1,5 tấn cá vụn để làm thức ăn cho cá. Thường thì cá giống mới nhập về 1 tuần tuổi tôi cho ăn bột, sau đó xay cá vụn thật nhuyễn để cho cá ăn từ từ rồi cho ăn cá vụn nguyên con, nhờ vậy mà cá phát triển rất nhanh”.
Bể nuôi cá lóc của ông Thành có bề ngang 4m, dài 12m và được lót bạt cẩn thận vì nếu để nền xi măng thì cá rất dễ mắc bệnh, khó phát triển. Trong tháng đầu tiên, ông Thành trộn thuốc phòng bệnh đường ruột cho cá vào thức ăn để tránh các bệnh thường gặp. Bình quân giá bán từ 50 – 60 ngàn đồng/kg, với hơn 30 tấn cá lóc mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, lão nông này đút túi hơn 500 triệu đồng.
Để có nguồn thức ăn tươi, ông Thành đầu tư 550 triệu đồng xây nhà đông lạnh, nơi dự trữ thức ăn cho cá lóc. Đi đôi với việc nuôi cá, hệ thống xử lý môi trường cũng được ông Thành quan tâm hết mực. Mọi chất thải đều được cho vào hệ thống xử lý rồi mới thải ra môi trường bên ngoài.
Phòng dịch: kinh nghiệm sống còn
Việc nuôi cá lóc rất đơn giản nhưng phải chú trọng phòng ngừa dịch bệnh bằng cách vệ sinh hồ nuôi sạch sẽ để hạn chế lượng thức ăn dư thừa và chất thải của cá phát sinh mầm bệnh. Tận dụng thức ăn dư từ bể nuôi cá lóc, ông thả nuôi 2 bể cá trê để vừa tận dụng nguồn thức ăn dư thừa cho cá, vừa giảm bớt chất thải trước khi xử lý nguồn nước ra môi trường. Do được chăm sóc chu đáo nên bể cá lóc nhà ông Thành luôn phát triển khá tốt với trọng lượng mỗi con từ 0,4 – 1kg sau khoảng 4 tháng thả nuôi. Sau khi xuất bán, sản phẩm được bán cho các nhà hàng hoặc thương lái đến tận nơi thu mua rồi chuyển đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành khác. Nhờ vậy giá bán cá lóc của ông Thành ổn định, không bị ép giá.
“Muốn thành công trong việc nuôi cá lóc lót bạt thì cần phải có nguồn thức ăn tươi và cảnh giác trong khâu phòng bệnh. Để đến khi cá mắc bệnh mình mới chữa thì coi như thất bại, mùa lạnh cá lóc dễ mắc bệnh đường ruột nên tôi cho uống thuốc phòng bệnh trong tháng đầu tiên, vì vậy đàn cá phát triển rất nhanh” – ông Thành chia sẻ.
Quan điểm: Ông Huỳnh Thuận – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phục
Mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt của anh Lê Minh Thành đạt hiệu quả cao và không gây ô nhiễm môi trường. Nông dân nào muốn học hỏi kinh nghiệm, anh Thành luôn sẵn sàng trao đổi, giúp đỡ…”. |
Theo Báo Dân Việt