Nuôi cá ruộng lúa

Ở ĐBSCL có hàng triệu ha ruộng trồng lúa có thể kết hợp nuôi cá.

Để khai thác tiềm năng lợi thế của vùng, các tỉnh đã triển khai và nhân rộng mô hình nuôi cá ruộng lúa góp phần tăng lợi nhuận thêm bình quân khoảng 15 triệu đồng/ha/năm.

Để nhân rộng mô hình này, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã triển khai dự án “Nuôi cá trong ruộng lúa tại các vùng có hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2014 – 2015” được 33 ha, tại 2 huyện Mang Thít (11,35 ha) và Vũng Liêm (21,65 ha).

Với chỉ tiêu kỹ thuật: Mật độ thả 1 con/m2. Tỷ lệ các loài cá được thả nuôi: Rô phi 70%, chép 10%, mè vinh 10%, mè trắng 10%. Nhà nước hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn. Sau 5 tháng thả nuôi, tỷ lệ sống đạt 80 – 85%, trọng lượng bình quân của các loại cá: Rô phi 5 – 8 con/kg, chép 2 – 3 con/kg, mè trắng 4 – 6 con/kg, mè vinh 4 – 6 con/kg. Ước năng suất đạt 1,4 – 1,8 tấn/ha, lợi nhuận ước đạt 12 – 16 triệu đồng/ha.

Thông thường cá giống được nông dân thả nuôi vào vụ hè thu cho tới hết mùa nước nổi, cá sống trên ruộng và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên là chính nên thịt rất ngon và hạn chế được thuốc hóa học làm giảm ô nhiễm môi trường tạo sản phẩm an toàn cho người dân.

Với mô hình trên để nuôi cá ruộng đạt hiệu quả bà con cần chú ý một số kỹ thuật sau:

– Cải tạo ruộng nuôi: Nhằm hạn chế mầm bệnh phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho cá phát triển. Điều quan trọng là thị hiếu của người nuôi và nhu cầu thị trường.

– Đối tượng cá nuôi phải có khả năng thích nghi, phát triển tốt và ăn các loại thức ăn tự nhiên có sẵn trong ruộng.

– Chất lượng con giống rất quan trọng, do đó phải chọn cá khỏe, có kích cỡ tương đối đồng đều, màu sắc sáng, bơi lội nhanh nhẹn. Không nên thả mật độ quá dày, tốt nhất thả 1 con/m2. Cá trước khi thả tắm trong nước muối, pha 15 g muối trong 1 lít nước, ngâm cá trong 15 phút (lưu ý không được để cá thiếu oxy trong khi đang ngâm cá).

– Khi nuôi cá – lúa là ruộng phải có khả năng điều tiết nước tốt để phù hợp với từng giai đoạn thời gian sinh trưởng của cá.

–  Khi sử dụng nông dược hoặc bón phân hoá học, phải rút nước cho cá xuống mương chờ 5 – 7 ngày thuốc hết độc thì cấp nước trở lại để cho cá lên ruộng, tránh cho cá bị nhiễm độc. Khi sử dụng thuốc nông dược cần lưu ý các loại thuốc không được sử dụng như Furazon, Fastac, Thiodan, Decis, Sherpa.

– Sau khi thu hoạch lúa HT, cấp nước lên ruộng đến mức tối đa cho cá mau lớn. – Vào thời điểm giao mùa khả năng chống bệnh của cá yếu, các mầm bệnh dễ phát triển, cá dễ bị nhiễm bệnh nên bón vôi quanh bờ vào đầu mùa mưa, hay định kỳ tạt vôi hoặc muối xuống mương nuôi cá.

–  Thay nước: Khi thay nước cần lưu ý phải đảm bảo nguồn nước tốt, chỉ thay nước khi cần thiết để tránh làm sốc cá; mỗi lần thay chỉ nên thay khoảng 20 – 30% tổng lượng nước trong ruộng nuôi.

–  Chăm sóc cá tốt để tăng sức đề kháng bệnh: Cho cá ăn đầy đủ về số lượng thức ăn cũng như thành phần dinh dưỡng phải đảm bảo. Vào những ngày thời tiết xấu nên giảm lượng cho ăn và tăng cường thức ăn giàu dinh dưỡng.

Ông Trương Vĩnh Yên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long cho biết: Ưu điểm của mô hình là sự hỗ trợ lẫn nhau tạo nên hệ sinh thái khép kín, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho lúa và giảm lượng thức ăn cho cá nhưng lúa vẫn cho đảm bảo năng suất, cá phát triển nhanh, qua đó tăng hiệu quả SX trên một đơn vị diện tích, tạo thu nhập thêm cho người dân.

“Sản phẩm tạo ra từ dự án là sản phẩm an toàn cho con người và môi trường nên khả năng duy trì và phát triển nhân rộng mô hình rất lớn, mở ra triển vọng nâng cao thu nhập nông dân và hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ và Bộ NN-PTNT”, ông Yên nói.

Theo Ks. Phan Ngọc Thủy Tiên – TTKN Vĩnh Long, Báo Nông nghiệp Việt Nam, 25/11/2014

Ý kiến của bạn