Triển khai sản xuất giống và nuôi thương phẩm sò điệp quạt

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đang thực hiện Dự án Sản xuất giống và nuôi thương phẩm điệp quạt (sò điệp, shell) với mục tiêu chủ động nguồn giống để nuôi thương phẩm, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Theo Thạc sĩ Phùng Bảy, chủ nhiệm dự án, điệp quạt là loài hải sản giàu dinh dưỡng có giá trị kinh tế cao, là một đối tượng nuôi phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức khiến nguồn nguyên liệu sò điệp trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Các doanh nghiệp chế biến sò điệp xuất khẩu thiếu nguyên liệu đầu vào. Để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần phát triển nuôi thương phẩm. Muốn vậy, phải chủ động được nguồn con giống dồi dào. Vì thế, việc hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm là giải pháp có hiệu quả nhất nhằm phát triển nghề nuôi sò điệp trong nhân dân, tạo nguồn nguyên liệu bền vững cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tạo việc làm cho người dân ven biển, giảm áp lực khai thác ngoài tự nhiên.

Tại khu vực nuôi vỗ điệp quạt bố mẹ, chúng tôi thấy một kỹ sư trẻ lấy bàn chải chà kỹ và dùng dao cạo sạch vật bám trên vỏ từng con rồi cho vào rổ. Đây là số sò điệp bố mẹ đã qua tuyển chọn, nuôi vỗ chuẩn bị cho đẻ trứng. Trứng sau khi thụ tinh được hút đưa vào các bể ấp nở. Tỷ lệ thụ tinh vào lúc chính mùa sinh sản khoảng 80% và tỷ lệ nở đạt 80 – 90%. Sau đó, được đưa vào các bể ương nuôi ấu trùng đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường với mật độ phù hợp. Thông thường mật độ nên duy trì từ 1 – 5 con/ml, tốt nhất là 2 – 3 con/ml. Sau 10 – 11 ngày, khi ấu trùng xuất hiện điểm mắt thì thả vật bám đã được rửa sạch vào bể. Vật bám có thể là những tấm nhựa mỏng, lưới nilon, lưới nhựa. Khi ấu trùng đạt kích thước yêu cầu, những vật bám mang điệp con được chuyển sang giai đoạn ương giống với yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật và chế độ chăm sóc, quản lý.

Điệp giống trên những tấm vật bám

Thạc sĩ Phùng Bảy dẫn chúng tôi đến những bể xi măng lớn đang ương giống. Trong mỗi bể xếp từng dãy lồng nhỏ, mỗi lồng có mấy tầng vật bám. Anh Bảy nhấc vài lồng lên kiểm tra. Chúng tôi thấy bám đầy mỗi tấm nhựa mỏng hoặc tấm lưới đen là những con điệp quạt giống nhỏ xíu bằng đầu đũa hoặc móng tay út, nhìn kỹ đã có dạng quạt. Khác với điệp bố mẹ thường đơn sắc, điệp giống có màu sắc đa dạng, có cả màu hồng, đỏ, cam, vàng.

Đến nay, dự án đã sản xuất được khoảng 5 triệu con giống điệp quạt với kích thước 6 – 14mm, được nuôi thử nghiệm tại nhiều vùng nước như ở vịnh Vân Phong, đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận). Kết quả cho thấy điệp quạt thích hợp với những vùng nước sâu, kín gió, độ trong cao, độ muối ổn định.

Sò điệp bố mẹ chuẩn bị cho sinh sản.

Người nuôi điệp quạt có thể lựa chọn hình thức nuôi lồng bè, nuôi lồng đáy hoặc nuôi rải đáy. Hình thức nuôi lồng bè dưới dạng lồng treo hoặc nuôi xâu tai (điệp được xâu ở tai sau, cột thành từng chùm dọc theo dây treo, chỉ áp dụng khi nuôi điệp có kích thước 3cm trở lên). Nuôi lồng bè cho năng suất cao, thuận lợi trong quản lý, chăm sóc và thu hoạch nhưng chi phí sản xuất lớn. Với hình thức nuôi lồng đáy, người nuôi chọn vùng đáy có rạn san hô, đóng cọc làm giàn treo lồng gần hoặc sát đáy rồi thả điệp giống vào lồng và nuôi cho đến khi thu hoạch. Hình thức này có ưu điểm ít tốn kém về đầu tư làm giàn bè và công chăm sóc, bảo quản nhưng năng suất nuôi thấp hơn. Khi nuôi rải đáy, người nuôi chọn vùng biển có đáy bằng phẳng, đá, san hô và cát. Sau khi dọn vệ sinh sạch sẽ thì thả điệp giống và nuôi đến khi thu hoạch. Hình thức nuôi này tuy đơn giản, không tốn kém nhưng hiệu quả không cao vì điệp có thể di chuyển đi nơi khác khi điều kiện môi trường thay đổi.

Điệp quạt là loài thân mềm, hai mảnh vỏ, ăn lọc với thức ăn là vi sinh vật trong nước nên khi nuôi không tốn chi phí thức ăn. Quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài này khá đơn giản, chi phí thấp, thích hợp quy mô hộ gia đình. Vì thế, có thể nhân rộng đối tượng nuôi này cho người dân các địa phương ven biển miền Trung. Trong quá trình thực hiện dự án, một số hộ dân đã liên hệ để mua con giống. Tuy nhiên, theo chủ nhiệm dự án, người nuôi cần nắm vững kỹ thuật, không nên tự nuôi ồ ạt sẽ thất bại. Vì thế, Thạc sĩ Phùng Bảy cho biết: “Mục tiêu sắp tới là sẽ cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân. Nếu tìm được nguồn kinh phí chúng tôi sẽ thực hiện dự án chuyển giao công nghệ cho người dân”.

Theo Báo Khánh Hòa

Ý kiến của bạn