Ngày 07/08/2014, tại Khoa Thủy Sản – Trường Đại học Cần Thơ, Ts. Dương Thúy Yên, Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, chủ nhiệm đề tài, đã báo cáo nghiệm thu thành công đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và một số chỉ số đa dạng di truyền của các dòng cá Rô đồng (Anabas testudineus) ở đồng bằng sông Cửu Long”. Một trong những kết quả nổi bật của đề tài là đã chứng minh được cá rô đầu vuông thuộc loài cá rô đồng Anabas testudineus và là một dòng cá mới có những đặc điểm riêng biệt.
Mục tiêu của đề tài là nhằm (i) Xác định một số chỉ tiêu sinh học và đa dạng di truyền làm cơ sở định loại các loài trong giống Anabas; (ii) Định loại cá Rô đầu vuông và mô tả đặc điểm sinh học, đặc điểm đa dạng di truyền của các quần thể và (iii) Đánh giá biểu hiện về một số đặc điểm quan trọng cho nghề nuôi như tăng trưởng, tỉ lệ sống… của đàn con các quần thể cá rô trong cùng một điều kiện nuôi. Các quần thể cá rô trong nghiên cứu gồm cá rô “đầu vuông” thu ở Hậu Giang và cá rô tự nhiên thu ở 3 nơi Đồng Tháp, Hậu Giang và Cà Mau. Bằng sự kếp hợp phương pháp nghiên cứu truyền thống với phương pháp hiện đại, nghiên cứu đã xác định được cá rô đầu vuông cùng một loài với cá rô đồng (Anabas testudineus) bởi chúng giống nhau về các chỉ tiêu hình thái đếm và mức độ tương đồng 3 gene mã vạch (Cytochrome C oxidase subunit 1, Cytochrome b và Rhodopsin) đạt 99 -100%. Điểm khác biệt lớn nhất giữa cá rô đầu vuông và cá rô tự nhiên về hình thái là các chỉ tiêu đo thể hiện hình dạng đầu, kích cỡ miệng, tỉ lệ dài ruột/dài chuẩn; khác về sinh trưởng là mối quan hệ của hệ số phương trình chiều dài-khối lượng; về sinh học sinh sản là kích thước trứng, mối quan hệ giữa sức sinh sản và khối lượng. Những khác biệt trên chứng tỏ cá rô đầu vuông là một “dòng” riêng biệt. Trong cùng điều kiện nuôi, cá rô đầu vuông tăng trưởng nhanh hơn cá rô tự nhiên và tốc độ tăng trưởng nhanh thể hiện rõ từ giai đoạn cá giống trở đi. Tuy nhiên, cá rô đầu vuông dễ nhiễm bệnh hơn và tỉ lệ sống thấp hơn cá tự nhiên ở giai đoạn từ cá bột lên giống. Trong các quần thể cá tự nhiên, cá rô có nguồn gốc từ Cà Mau tăng trưởng nhanh nhất và tỉ lệ sống cao và có mức độ so với cá rô Đồng Tháp và Hậu Giang.
Đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tế lớn. Từ các kết quả nghiên cứu của đề tài này, các trại sản xuất giống có thể áp dụng chọn dòng lai tạo giữa các dòng cá rô để nâng cao hiệu quả nghề nuôi. Đồng thời, các cơ quan thủy sản cần có biện pháp lưu giữ riêng dòng cá đầu vuông, tránh hiện tượng lai tạo tràn lan làm suy giảm nguồn lợi di truyền của cá rô. Nghiên cứu cũng mở ra khả năng ứng dụng chỉ thị di truyền phân tử trong định danh, phân loại loài mà phương pháp truyền thống xác định không rõ ràng.
Đề tài đã góp phần đào tạo 3 học viên cao học, 6 sinh viên đại học. Có 4 bài báo xuất bản ở các tạp chí trong nước và 2 bài báo cáo tại hội nghị quốc tế. Kết quả của đề tài cũng đã được thông tin, chuyển giao thông qua buổi báo cáo chuyên đề tại Khoa Thủy Sản, báo cáo tập huấn tại tỉnh Hậu Giang với sự tham gia của các cơ quan như Sở Khoa học Công Nghệ, Chi cục Thủy Sản, Trung tâm giống Nông nghiệp/thủy sản thuộc các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, nông dân sản xuất giống và nuôi cá rô ở tỉnh Hậu Giang. Với kết quả và ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, đề tài đã nhận được sự đánh giá rất cao của hội đồng khoa học.
Theo Khoa Thủy sản, ĐH. Cần Thơ