Sử dụng cá rô phi trong cuộc chiến chống lại bệnh EMS trên tôm

Công ty Minh Phú là nhà sản xuất và xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam. Tại Hội nghị GOAL được tổ chức tại TP. HCM từ ngày 7-10 tháng 10 năm 2014, Công ty cho biết giải pháp chống lại hội chứng tôm chết sớm EMS của Công ty đang áp dụng tại các trang trại nuôi tôm của mình là sử dụng cá rô phi.

Chủ tịch Công ty, ông Lê Văn Quang cho biết, cá rô phi giúp làm sạch ao, tạo môi trường ổn định hơn cho tôm nuôi và giúp giảm nhẹ tác động của bệnh EMS.

Ông Quang cho biết, “Cá rô phi không những ăn các tạp chất, chất thải trong ao nuôi tôm mà còn tạo ra một môi trường lành mạnh cho tôm nuôi.”

Công ty Minh Phú cũng đã xuất khẩu cá rô phi trong mô hình nuôi ghép này. Ông Quang cho biết, trong năm 2014 này Công ty đã xuất khẩu được khoảng 2.000 tấn cá rô phi.

Mô hình nuôi ghép tôm với cá rô phi đã được áp dụng thành công nhiều vụ nuôi tại trang trại của công ty.

Ông Quang cho biết, trước đây Công ty có một ao nuôi bị tấn công bởi EMS bên cạnh một ao nuôi cá rô phi và Công ty quyết định chuyển tôm nhiễm bệnh này vào ao nuôi cá rô phi để làm thức ăn cho cá. Tuy nhiên, tôm sau đó không bị chết và Công ty quyết định sử dụng điều này như một chiến lược chống lại bệnh EMS trên tôm.

Ông Quang cho biết, tổng thể ngành công nghiệp nuôi tôm ở Việt Nam cần được đầu tư và phát triển hơn nữa.

Con giống kém chất lượng, thiếu kỹ thuật canh tác phù hợp, dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm thương phẩm, vấn đề bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước và các dịch vụ tài chính hỗ trợ người nuôi tôm là những vấn đề cần được quan tâm và có hướng giải quyết thích hợp và lâu dài. Những vấn đề khó khăn này dẫn đến sản lượng và chất lượng tôm thương phẩm không ổn định, giá cả tôm nguyên liệu biến động.

Để giải quyết vấn đề trên, Công ty hiện đang đẩy mạnh việc liên kết với người nuôi tôm bằng cách hỗ trợ vốn và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch. Minh Phú hy vọng với chuỗi cung ứng tôm bền vững (SSSC – sustainable shrimp supply chain) này sẽ giúp khắc phục được các vấn đề khó khăn kể trên.

Ông Quang cho biết, hiện nay có khoảng 10.000 trang trại tham gia vào mạng lưới SSSC của Công ty. Điều này sẽ giúp Công ty có được nguồn tôm nguyên liệu có chất lượng cao, ổn định và giá thành sản xuất giảm. “Chúng tôi cố gắng giúp người nuôi tôm có được một vụ mùa thành công và sau đó sẽ bao tiêu sản phẩm cho họ,” ông Quang cho biết.

Theo Tom Seaman, Undercurrentnews, 08/10/2014

Ý kiến của bạn