Minh Phú dùng cá rô phi kiểm soát EMS: Nhất cử lưỡng tiện

Nuôi kết hợp một ao tôm, một ao cá rô phi không những mang lại hiệu quả kinh tế cao do khống chế được dịch bệnh trên tôm mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu của việt nam. Mô hình này đang được Công ty CP Tập Đoàn thủy sản Minh Phú tích cực triển khai.

Hiệu quả bất ngờ

Là một trong những DN hàng đầu trong sản xuất chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam, Minh Phú đang dần khép kín toàn bộ chuỗi sản xuất từ khâu sản xuất con giống, nuôi, sản xuất thức ăn đến chế biến, xuất khẩu nhằm đảm bảo một quy trình sản xuất hiệu quả nhât.

Tuy nhiên, dù đã áp dụng những qui trình công nghệ nuôi tiêu chuẩn và tiến tiếnnhưng dịch bệnh trên tôm, đặc biệt là dịch EMS đã gây ra những thiệt hại kinh tế không hề nhỏ cho Minh Phú trong những năm 2012 và 2013, khiến nguồn cung nguyên liệu cho chế biến của Minh Phú cũng mất ổn định.

“Trong cái khó ló cái khôn”, Minh Phú đã tìm được giải pháp hiệu quả khống chế được dịch bệnh trên tôm, đồng thời còn có thêm nguồn thu khác đó là cá rô phi.

“Trong một lần tôm nuôi bị dich bệnh EMS nghiêm trọng không thể cứu vãn phải hủy đi, nếu hủy thì phải sử dụng Chlorine đổ vào ao, tôi cho người kéo tôm bệnh đổ ào nuôi cá rô phi. Nếu tôm sống thì tốt còn không thì làm thức ăn cho cá rô phi. Kết quả thật đáng bất ngờ. Tôm chẳng những không chết mà còn hết bệnh, khỏe mạnh và phát triển tốt. Mặc dù tôm đã bị cá rô phi ăn bớt một phần nhưng kết quả thu được 800kg tôm với trọng lượng 25 con/ kg”, ông Lê Văn Quang – TGĐ Minh Phú cho biết.

Theo ông Quang, với kết quả chuyển từ lỗ thành lời như trên, Minh Phú đã tăng cường nghiên cứu không chế dịch bệnh trên tôm, trong đó có dịch bệnh EMS, bằng biện pháp nuôi kết hợp với cá rô phi dưới nhiều hình thức khác nhau như nuôi tôm kết hợp với cá, vèo nuôi cá rô phi giữa ao nuôi tôm, ngăn nửa ao nuôi cá nửa ao nuôi tôm… Mô hình nuôi một ao cá rô phi cạnh một ao nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao nhất, đồng thời phát huy tác dụng khống chế dịch bệnh trên tôm hiệu quả nhất.

Trong mô hình này, một ao nuôi cá rô phi sẽ được bố trí cạnh một ao nuôi tôm. Thay vì phải sử dụng ao lắng, xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi tôm thì Minh Phú sử dụng trực tiếp nguồn nước từ ao nuôi cá rô phi đưa vào ao nuôi tôm. Ông Quang cho rằng, chính hệ vi khuẩn được tạo lập trong môi trường nước ao nuôi cá rô phi đã giúp khống chế virus EMS. Mặc dù chưa có các nghiên cứu khoa học cụ thể, nhưng qua thực tế sản xuất, các nhà khoa học cũng tin rằng, sử dụng nước ao nuôi cá rô phi còn khống chế tác nhân gây bệnh của các bệnh khác trên tôm.

“Nếu chỉ nuôi tôm thì 5 ăn 5 thua, đồng thời muốn thành công bắt buộc phải sử dụng kháng sinh. Trong khi áp dụng mô hình một ao tôm, môt ao cá rô phi thì gần như được cả cá lẫn tôm. Trong mô hình này, chúng tôi hoàn toàn không sử dụng kháng sinh . Thực tế, hiệu quả kinh tế rất khả quan. Cụ thể 1 ao tôm lời 300 triệu đồng, 1 ao cá lời hơn 140 triệu đồng”, ông Quang cho biết.

Nan giải vấn đề con giống

Thực tế sản xuất tại Minh Phú đã chứng minh rằng mô hình nuôi 1 ao tôm kết hợp 1 ao nuôi cá rô phi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao do kiểm soát được dịch bệnh, tôm nuôi đạt yêu cầu về chất lượng, không sử dụng kháng sinh. Nhưng để nhân rộng mô hình này thật sự là một vấn đề khó khăn mà nguyên nhân chính là do nguồn con giống cá rô phi không đáp ứng được yêu cầu về số lượng và cả chất lượng.

“Ban đầu chúng tôi chỉ thí nghiệm mô hình này với mục đích chính là kiểm soát EMS trên tôm và không biết bán cá cho ai. Sau đó, chúng tôi đi chào hàng các sản phẩm cá rô phi cho các khách hàng dùng thử và nhận được sự đánh giá rất cao do cá được nuôi ở vùng nước lợ mặn,thịt thơm ngon hơn hẳn và có thể thay thế cá rô phi có xuất xứ từ Trung Quốc hay Đài Loan. Mô hình này rất có tiềm năng, nhưng để nhân rộng thì rất nan giải”, ông Quang cho biết.

Với diện tích nuôi tôm hiện có, chưa kể 100.000 ha mà Minh Phú liên kết với các hộ nông dân, khi nhân rộng áp dụng mô hình này, nhu cầu về con giống cá rô phi của riêng Minh Phú sẽ rất lớn, ước hơn 50 triệu con/năm. Trong khi đó, theo ông Quang, thực trạng chất lượng con giống cá rô phi tại Việt Nam rất hạn chế, cá nuôi chậm lớn, tỷ lệ sống thấp, hệ số thức ăn cao, cá có kích cỡ nhỏ nên không đạt tiêu chuẩn phi lê xuất khẩu.

Từ thực tế trên, bên cạnh xúc tiến đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy chế biến cá rô phi xuất khẩu tại Hậu Giang, Minh Phú còn khẩn trương đầu tư xây dựng khu sản xuất giống cá rô phi chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của công ty, đồng thời phục vụ cho chuỗi cung ứng của mình với hơn 100.000 ha nuôi tôm liên kết với các hộ nông dân. Tuy nhiên, với đặc tính sinh sản trong môi trường nước ngọt, việc lựa chọn địa điểm xây dựng trại giống không hề dễ dàng. Theo ông Quang, vị trí thuận lợi nhất cho xây dựng trại giống là phải đảm bảo có đầy đủ cả nước ngọt lẫn nước lợ mặn để thuận lợi cho quá trình sinh sản và thuần dưỡng để cá thích nghi với môi trường lợ mặn.

“Chúng tôi đã đầu tư trại sản xuất giống cá rô phi tại Ninh Thuận với diện tích 2ha, đồng thời kết hợp sử dụng nước sản xuất cá rô phi để sản xuất tôm giống nhưng khi xin phép thì lãnh đạo sở NN&PTNT Ninh Thuận lại không cho. Nguyên nhân là do Ninh Thuận chỉ sản xuất giống tôm, không làm cá rô phi. Điều này thật vô lý. Và kết quả là 100.000 con giống cá rô phi bố mẹ chất lượng cao nhập từ nước ngoài buộc phải chuyển về Kiên Giang nuôi cá thịt, gây thiệt hại lớn cho DN”, ông Quang bức xúc.

Thiết nghĩ, trong tình trạng dịch bệnh tôm đang hoành hành và diễn biến phức tạp, mô hình nuôi kết hợp với cá rô phi có khả năng kiểm soát và hạn chế dịch bệnh trên tômmột đối tượng có giá trị kinh tế cao, lại đang trong tình trạng thiếu về số lượng và yếu về chất lượng con giống cá rô phi như hiện nay thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải có những cơ chế chính sách mềm dẻo và linh hoạt hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào khâu sản xuất con giống. Có như vậy, ngành tôm cũng như ngành cá rô phi mới có cơ hội phát triển ổn định và bền vững, từ đó hạn chế rủi ro, gia tăng lợi nhuận cho người nuôi.

Theo Đỗ Văn Thông, VietFish, 06/01/2015

2 bình luận trong “Minh Phú dùng cá rô phi kiểm soát EMS: Nhất cử lưỡng tiện”

Ý kiến của bạn