Hiệu quả cao nhờ nuôi tôm “sạch”

Nhờ ứng dụng công nghệ nuôi mới, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức lót bạt ở các địa phương ven biển của tỉnh đã thu được hiệu quả cao.

Vụ nuôi thành công

Gia đình ông Trần Văn Minh (thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành) vừa thu hoạch tôm thẻ chân trắng vụ 2. Chỉ nuôi tôm trên 3 ao nuôi có tổng diện tích là 6.000m2 nhưng gia đình ông đã thu được 1 tỷ đồng. Đến thời điểm này, gia đình ông đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức lót bạt được 10 năm. Trên quỹ đất có tổng diện tích 10.000m2, ông Minh phân bổ riêng 1 ao chứa lắng có diện tích 2.000m2 và một hệ thống xử lý chất thải chung cho 3 ao nuôi cũng có diện tích là 2.000m2. Do nuôi ở vùng triều ven sông Trường Giang nên để tránh thẩm lậu nguồn nước vào ao nuôi, ông dùng bạt bao bọc, cách ly hẳn với bên ngoài; thả nuôi với mật độ cao (250 con/m2). “Tôm nuôi sẽ sinh trưởng tốt nếu môi trường sinh sống của chúng được đảm bảo. Đầu tư cả hệ thống quạt ở bề mặt lẫn máy sục khí ở đáy ao nên chúng tôi không lo tôm thiếu oxy. Nhờ có ao chứa lắng nên gia đình cũng thay nước thường xuyên, giúp tôm phát triển tốt” – ông Minh cho biết. Ở vụ thu hoạch này, gia đình ông thu được tổng cộng 15 tấn tôm, bán được 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 1 tỷ đồng chỉ sau gần 3 tháng thả nuôi.

Cũng nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức khép kín, năm 2014, gia đình ông Trần Văn Thành (thôn Hòa An, xã Tam Hòa, Núi Thành) nuôi tôm trên 17 ao có tổng diện tích 34.000m2. Ở vụ nuôi này, ông Thành thu được 5 tấn tôm/ao nuôi, sau khi trừ chi phí lãi tổng cộng các ao nuôi hơn 5 tỷ đồng. “Nuôi tôm thẻ chân trắng thành công hay không phụ thuộc vào các yếu tố gồm con giống, thức ăn, môi trường ao nuôi và cách xử lý. Mình đầu tư ao chứa lắng để đảm bảo nguồn nước tốt cho tôm sinh trưởng. Nhờ xi phông ao nuôi thường xuyên và xử lý nước thải rồi mới cho ra bên ngoài nên không lo nguồn nước nhiễm bệnh khi lấy vào ao chứa lắng. Thay nước thường xuyên, đảm bảo oxy đầy đủ, nắm chắc các yếu tố về pH, độ kiềm là cách để đảm bảo tôm nuôi phát triển tốt nhất” – ông Thành cho biết.

Công nghệ nuôi mới

Ông Trần Văn Thành là một trong số những người đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ mới vào nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Thành cho biết, đây là sự lựa chọn tất yếu bởi trong thời gian qua, không ít lần dịch bệnh đã xảy ra với ao nuôi của mình. “Nếu tôm nuôi đồng loạt bị bệnh thì thiệt hại đối với gia đình chúng tôi là không dưới 10 tỷ đồng. Nuôi tôm nhiều phải chọn cách nuôi “sạch”. Tôi chọn mô hình CPF – Green House, nói nôm na là ương tôm trong “nhà” nhằm khống chế, tạo ra môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của nhóm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus – tác nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp khiến người nuôi trong cả nước điêu đứng suốt một thời gian dài” – ông Thành nói. Áp dụng mô hình này, ông Thành dùng tôm giống đảm bảo chất lượng nhãn hiệu C.P. Trước khi nuôi tôm thương phẩm, ông ương tôm trong ao nuôi được che chắn kỹ càng bằng lưới lam phủ bên trên và tôn che chắn xung quanh để đảm bảo nhiệt độ, giảm sự tác động của biến động thời tiết đến tôm giống. Sau 25 – 30 ngày ương, tôm khỏe sẽ được chọn đưa ra ao nuôi thương phẩm. “Có tổng cộng 22 ao nuôi, gia đình “cắt” ra 2 ao chứa lắng, 2 ao xử lý chất thải và 1 ao ương tôm giống. Áp dụng mô hình nuôi mới này từ đầu năm 2014 đến nay, tôm nuôi phát triển tốt” – ông Thành khẳng định.

Ông Trần Văn Minh cũng cho biết, vụ nuôi thành công mà gia đình ông có được là nhờ mạnh dạn ứng dụng công nghệ nuôi CPF – Green House. Cách nuôi của gia đình ông Minh là tuân thủ quy trình nuôi 3 giảm – 3 tăng. Giảm ở đây là giảm diện tích nuôi, giảm mùn bã hữu cơ và giảm mầm bệnh; còn tăng gồm tăng diện tích ao chứa lắng, tăng diện tích ao ương tôm và tăng hàm lượng oxy trong ao nuôi. “Nghe có vẻ mâu thuẫn khi giảm diện tích mà lại tăng giá trị kinh tế. Nhưng thực tế là khi giảm diện tích thì người nuôi sẽ quản lý ao nuôi tốt hơn. Công nghệ này cũng đòi hỏi người nuôi phải đảm bảo tốt độ pH, oxy và nhiệt độ ao nuôi. Cùng với đó là sử dụng men vi sinh để đảm bảo an toàn sinh học cho tôm phát triển tốt, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm của quốc tế” – ông Minh nói.

Ông Trần Xuân Thọ, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh thủy sản, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: “Công nghệ nuôi CPF – Green House có xuất xứ từ Thái Lan – một trong những quốc gia thu được thành công lớn trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Ứng dụng công nghệ này không quá khó, tuy nhiên lại đòi hỏi người nuôi phải đầu tư lớn. Trong quá trình nuôi, các nông hộ cần đảm bảo nguyên tắc: mực nước ao nuôi không sâu, nước không đứng yên và nguồn nước không được lấy trực tiếp”.

Theo NGUYỄN QUANG VIỆT, Báo Quảng Nam, 22/09/2014

Ý kiến của bạn