Mô hình nuôi tôm chân trắng kết hợp tôm càng xanh trong môi trường nước ngọt

Xã Phú Long, huyện Bình Đại đã được quy hoạch là vùng ngọt hóa. Do các công trình thủy lợi chưa khép kín hoàn toàn nên còn ảnh hưởng xâm nhập mặn (khoảng tháng 4-6 hàng năm), độ mặn tối đa 8%o, nên một số người dân đào ao nuôi tôm nước lợ.

Những vụ nuôi đầu thành công, những vụ nuôi tôm về sau người dân gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm. Đặc biệt, năm 2012, dịch bệnh gây thiệt hại khoảng 70 – 80% ao nuôi tôm, xảy ra liên tiếp nhiều vụ nuôi nên nhiều người dân bỏ đất hoang hoặc chuyển sang trồng dừa, mía.

Từ năm 2013 đến nay, mô hình nuôi tôm chân trắng kết hợp với tôm càng xanh trong môi trường nước ngọt được hộ ông Võ Thành Công ở ấp 1, xã Phú Long thực hiện bước đầu thành công. Mô hình mang lại hiệu quả khá cao, đặc biệt là hạn chế được dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm; số ao nuôi thành công chiếm tới 80% tổng số ao thả nuôi.

Ông Công cho biết, tổng khu nuôi gồm 45 ao với diện tích 25ha, trung bình diện tích mỗi ao 2.500m2 mặt nước. Nuôi 3 vụ liên tiếp theo khung lịch thời vụ của UBND tỉnh. Độ sâu ao nuôi: 1,4 – 1,5m. Các ao nuôi được đầu tư trải bạt nền đáy và bờ ao, trang bị hệ thống quạt nước đầy đủ trên nền ao nuôi tôm nước lợ trước đây. Khu nuôi có ao chứa nước, trang bị giá thể cho tôm càng xanh bằng lưới mắt cáo 2 – 4cm. Nguồn nước sử dụng được xử lý bằng chlorine (30ppm) và cấp từ kênh dẫn nước của sông Ba Lai; tuyệt đối không sử dụng giếng nước mặn ngầm. Mật độ thả: 30 con tôm thẻ chân trắng, cỡ postlarve 10 – 12mm và kết hợp với 5 con tôm càng xanh cỡ giống 3 – 5cm cho 1m2 mặt nước.

Sau khi cải tạo ao, xử lý nước, khử chlorine và gây màu tảo xong, thả tôm chân trắng vào ao nuôi trước với mật độ 30 con/m2, cỡ postlarve 10 – 12mm. Sau khi thả tôm chân trắng được 25 – 30 ngày, thì mới thả tôm càng xanh với mật độ 5 con/m2 (tôm càng xanh đã được ương dưỡng từ tôm postlarve đến 45 ngày tuổi hoặc tôm đạt cỡ giống 3 – 5cm, phân loại tôm đực và tôm cái riêng, lưu ý chỉ thả nuôi kết hợp hoặc toàn đực hoặc toàn cái).

Mô hình nuôi tôm thẻ trước đây, số diện tích phải thu hoạch sớm chiếm 60 – 80%, chủ yếu các ao nuôi sử dụng giếng nước ngầm và cải tạo không đúng quy trình kỹ thuật, không theo lịch thời vụ của tỉnh, nên dịch bệnh tôm gây thiệt hại liên tục. Từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp nuôi tôm càng xanh thì số diện tích thu hoạch đạt lợi nhuận chiếm rất cao (đạt 80% diện tích ao thả nuôi) và dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm hầu như không xảy ra.

Theo nhận định ban đầu của ông Công, mô hình này thành công là do tôm càng xanh chuyên sống ở đáy ao và ăn thức ăn thừa của tôm chân trắng nên môi trường nước ít ô nhiễm, màu nước rất tốt, hạn chế lãng phí thức ăn cho tôm. Mô hình này hiệu quả hơn nuôi tôm chân trắng sử dụng quy trình nước xanh từ việc nuôi ghép với cá rô phi vì cá rô phi sẽ cạnh tranh thức ăn với tôm chân trắng do hoạt động bơi lội của cá và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tôm. Hệ số thức ăn khi áp dụng mô hình dao động: 1.0 – 1.3. Sản lượng bình quân một ao nuôi tôm diện tích 2.500m2 là 1,8 tấn tôm thẻ chân trắng và 0,3 tấn tôm càng xanh. Chi phí sản xuất một ao nuôi tôm diện tích 2.500m2 khoảng 300 triệu đồng, lợi nhuận bình quân một ao từ 100 – 120 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Buội – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua khảo sát, chúng tôi đã ghi nhận kết quả bước đầu của mô hình mới này. Việc có nhân rộng mô hình này hay không, cần chờ xin ý kiến của Tổng cục Thủy sản. Bởi vào cuối tháng 6-2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, xã Phú Long thuộc vùng ngọt hóa, không có quy hoạch nuôi tôm nước lợ; đồng thời phổ biến chủ trương quản lý nuôi tôm biển theo quy hoạch và không cho phép sử dụng giếng ngầm để nuôi tôm trong và ngoài vùng quy hoạch. Mặt khác, ngày 2-6-2014, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản về việc quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, Sở đã ban hành Công văn số 1455 ngày 30-6-2014 về việc quản lý nuôi tôm chân trắng trong vùng ngọt hóa, thông báo đến các huyện để thực hiện. Do vậy, để giúp người dân có định hướng sản xuất phù hợp trong thời gian tới, Sở NN&PTNT đã đề nghị Tổng cục Thủy sản xem xét và sớm có văn bản trả lời đối với mô hình nuôi tôm chân trắng kết hợp với tôm càng xanh trong môi trường nước ngọt tại Bến Tre.

Giải pháp nâng độ kiềm nước trong ao nuôi: bón lót 300kg Dolomite + 300kg supercanxi (CaCO3), định kỳ 3 – 5 ngày bón bổ sung 7 – 10kg Dolomite + 7 – 10kg supercanxi (CaCO3). Sử dụng thức ăn và quản lý thức ăn giống như ao nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Sau 3 – 3,5 tháng thả nuôi, tôm thẻ chân trắng đạt cỡ 30 – 35 con/kg, tôm càng xanh đạt cỡ 40 – 60 con/kg.

Theo NVB, Báo Đồng Khởi

Ý kiến của bạn