Thí điểm nuôi cua bột thành cua thịt

Mô hình ương cua bột và nuôi cua thịt thương phẩm trong ao vùng triều xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) đem lại kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho người nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam.

Tháng 4/2014, gia đình ông Nguyễn Xuân Hòa (thôn Diêm Trà, xã Tam Tiến) được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam và Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện Núi Thành chọn thí điểm thực hiện mô hình ương nuôi cua bột giống để nuôi cua thịt thương phẩm.

Sau khi dự lớp tập huấn của Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện, ông Hòa đầu tư cải tạo ao nuôi trên diện tích gần 1 ha tại vùng triều có độ mặn đảm bảo để nuôi cua. Ông Hòa cho biết, lúc mới nhận 14.000 con cua bột từ Trung tâm KN-KN tỉnh Quảng Nam vì cua còn nhỏ nên phải nuôi ương trong khu vực riêng, sau 30 ngày cua bột lên cua giống mới thả ra ao nuôi. Tỉ lệ sống trong giai đoạn ương cua bột lên cua giống đạt 35% và sau 4 tháng, cua trong ao nuôi gia đình ông Hòa có trọng lượng bình quân mỗi con 0,25 kg, nhiều con đạt trọng lượng 0,30 – 0,35 kg. Đến thời điểm này, ông Hòa đã thu hoạch khoảng 70% trong tổng sản lượng ước tính 1.200 kg cua thương phẩm. Với giá bán 150.000 đồng/kg, ao nuôi nhà ông có doanh thu 180 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 88 triệu đồng. “Khi mới triển khai nuôi thí điểm, không mấy ai tin, vì thấy cua bột quá nhỏ nên cho rằng tỉ lệ sống thấp; nhưng tại ao nuôi của tôi thì chưa đến thời gian thu hoạch cua đã đạt 3 con/kg. Nếu nuôi đúng quy trình thì lãi cao, ổn định hơn nuôi tôm” – Ông Hòa nói.

Theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Xuân Hòa, có thể nuôi cua bột thành cua thịt trong ao nên có diện tích 300 – 1.000 m2, độ sâu 0,8 – 1,2 m, bờ có chiều rộng đáy 3 m; mặt 1 – 1,5 m; cao 1 – 1,5m và cao hơn mức triều cường ít nhất 0,5 m. Ao nuôi tốt nên gần sông, có nguồn nước dồi dào và dễ cấp thoát nước; nền đáy ao nên là loại đất thịt pha sét hay cát, không quá nhiều bùn nhão (lớp bùn không quá 20 cm); đất và nước ít bị nhiễm phèn, pH nước 7,5 – 8,5; độ mặn 10 – 25‰; nhiệt độ 28 – 330C. Mật độ thả nuôi tùy theo trọng lượng cua giống, nếu cua giống 50 – 100 con/kg thì thả nuôi với mật độ 3 – 4 con/m2 và giảm dần nếu con giống to hơn. Xung quanh bờ ao và khu vực công cấp thát nước được che chắn bằng lưới cước để cua không thoát ra được. Trong ao có thể bỏ thêm thân cây hoặc che bóng để cua trú ngụ, tránh nắng nóng. Thức ăn cho cua thịt rất đa dạng, gồm: cá tạp, tôm còng, nhuyễn thể, rau, ngũ cốc… Tỷ lệ cho ăn 5 – 10% trọng lượng cua và được chia làm hai lần trong ngày, sáng và chiều mát, thích hợp nhất là cho cua ăn lúc nước lớn. Thay nước hằng ngày 30 – 50% để giữ môi trường trong sạch.

Mô hình nuôi cua bột thành cua thương phẩm ở thôn Diêm Trà thành công đã đánh tan tâm lí lo ngại của người dân địa phương khi cho rằng việc nuôi cua thịt thương phẩm từ con giống quá nhỏ là điều không mấy khả quan. Ông Trần Văn Bá (thôn Diêm Trà, xã Tam Tiến) cho biết: “Qua thực tế ao nuôi nhà ông Hòa, tôi thấy cua bột phát triển tốt, điều kiện nuôi phát triển thành cua giống và cua thịt cũng đơn giản hơn nuôi tôm sú nên năm tới gia đình tôi sẽ chuyển sang nuôi giống cua này”.

Theo Trung tâm KN-KN tỉnh Quảng Nam, cua bột ưa dòng chảy nên phải đảm bảo nuôi trong vùng triều; nhưng cũng chính đặc điểm này sẽ giúp người dân giảm chi phí cho việc sục khí và kinh nghiệm cho thấy, khi ương cua bột nếu đặt ở đầu dòng chảy thì cua sẽ phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, lợi thế của việc nuôi cua bột là sự chủ động về nguồn giống sản xuất tại Trung tâm KN-KN tỉnh. Bà Nguyễn Thị Đồng – Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm KN-KN tỉnh Quảng Nam, cho biết: Nuôi cua tự nhiên phải mua giống từ chợ hay bắt ở sông; nhưng khi nuôi cua bột thì hoàn toàn chủ động về con giống. Thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình ương cua bột và nuôi cua thịt thương phẩm tại các vùng triều của tỉnh.

Mô hình ương cua bột và nuôi cua thịt thương phẩm thành công ở xã Tam Tiến không chỉ giúp nông, ngư dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới so với cách nuôi truyền thống từ nguồn cua giống tự nhiên mà còn khắc phục tình trạng nuôi độc canh con tôm, hạn chế tình trạng dịch bệnh thủy sản lây lan dẫn đến nhiều diện tích hồ ao bị bỏ hoang, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản ở Quảng Nam, trong lúc nghề nuôi tôm đang bấp bênh và thường thua lỗ nặng.

Theo Thạch Hà, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 13/11/2014

Ý kiến của bạn