Năm mới bàn chuyện cũ: “cái ao lắng” trong nuôi tôm

Trong không khí rộn ràng đón mừng xuân mới Ất Mùi, với nhiều câu chuyện vui buồn trong sản xuất – đời sống năm qua, bà con nông dân sẽ không quên bàn luận nhiều vấn đề về nuôi trồng thủy sản và mơ ước có được những vụ tôm nuôi thành công, đạt hiệu quả kinh tế cao trong năm 2015.

Bài viết này xin góp với bà con nông dân những điều suy nghĩ đầu năm về “cái ao lắng”, liên quan đến vấn đề đảm bảo chất lượng môi trường nước trong các loại hình nuôi tôm ở Cà Mau.

Bỏ quên ao lắng

Hiện nay, nghề nuôi tôm ở Cà Mau đang đứng trước những thách thức khắc nghiệt mà bản thân người nuôi khó tự vượt qua để có được những vụ tôm trúng đậm như thời kỳ mới chuyển dịch. Trong đó, đáng quan ngại nhất là chưa thể tách biệt nguồn nước cấp phải trong sạch và nước thoát đang bị ô nhiễm như mong muốn. Do cả vùng là đồng bằng, các kênh rạch đều liên thông nhau và đều đang ô nhiễm nước thải, bùn thải do sên vét ở nhiều cấp độ khác nhau, rất bất lợi cho nuôi tôm. Vì thế việc tạo dựng, quản lý vận hành, sử dụng ao lắng – khu lắng nước đúng kỹ thuật, để xử lý nước cho an toàn, ổn định các yếu tố môi trường nước trước khi đưa vào ao đầm nuôi, sẽ là giải pháp mang lại nhiều kết quả tốt. Đây là vấn đề kỹ thuật, tuy nhỏ nhưng là mắc xích vô cùng quan trọng, có thể giúp người nuôi thu hoạch vụ tôm tốt hơn, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Nó đã được các nhà khoa học bậc thầy thường xuyên đề cập và khuyến cáo nên áp dụng, không chỉ trong nuôi tôm công nghiệp, mà cả trong phương thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến đại trà của nông dân. Nhưng đáng tiếc, hầu như đa số nông dân từ lâu không biết hoặc cố tình lờ đi mục đích, ý nghĩa và giá trị thực tiễn của ao lắng – khu lắng nước, không chịu áp dụng nó trong khu ao đầm nhà mình, chỉ vì muốn tăng diện tích nuôi để có thể kiếm thêm lợi nhuận. Một sự tính toán không phù hợp, thể hiện sự hạn chế trình độ kỹ thuật trong điều kiện khắp nơi ô nhiễm như hiện nay!

Thật ra, ao lắng hay khu lắng nước không chiếm diện tích mặt nước là bao, chỉ cần một phần đất 10-15% trên tổng diện tích của khu đất hiện có. Sự giảm diện tích này sẽ được thu lại bằng cái lợi có thể tăng mật độ con/m2 và có được nguồn nước cấp bù tốt, an toàn hơn. Mà nó cũng không phải hoàn toàn chỉ để “lắng nước”, không khai thác được gì khác! Nếu biết tận dụng sáng tạo, có thể nuôi – trồng những loài thủy sản khác (không phải các loài giáp xác là được), có khi lại còn cho thu lợi khá hơn, ổn định, an toàn hơn trên khoảnh đất này. Như có thể nuôi sinh thái sò huyết, vọp, cá kèo, cá phi, cá mú, cá chẻm… với mật độ thích hợp, để vừa tham gia xử lý nước, vừa cho chủ hộ thu lợi kinh tế để bù đắp phần diện tích bỏ ra không nuôi tôm đó. Nhưng cái chính là ao lắng phải được loại trừ tuyệt đối các loài giáp xác và nguồn nước đã giữ tốt qua đủ thời gian cách ly, thì các loại thủy sinh, vật ký sinh gây hại, như các loài bọ ký sinh, vi khuẩn, virus… từ nơi khác do nước mang đến sẽ không có ký chủ là các loài giáp xác để ký sinh, chúng sẽ tự hủy diệt, không thể lây lan, đeo bám làm hại hay gây bệnh cho tôm nuôi khi cấp nước vào ao nuôi chính. Ao lắng còn có tác dụng nhờ các loại vi khuẩn có lợi, rong tảo, các giá thể tự nhiên giúp lắng tụ các chất ô nhiễm độc hại lơ lửng hay hòa tan trong nước, để đảm bảo khi cho nước cấp vào ao đầm chính nuôi tôm được ổn định, an toàn, ngăn ngừa được các loại dịch bệnh nguy hiểm. Mỗi chu kỳ lắng chỉ cần khoảng trên 20 ngày, nếu đảm bảo trong ao lắng không có giáp xác, không bị rò rỉ hay thẩm thấu các nguồn nước ô nhiễm từ bên ngoài vào, thì nguồn nước lắng đó có thể khá an toàn, sẵn sàng cho cấp bù vào ao nuôi.

Ao lắng – giải pháp tốt

Thông thường, trong các loại hình nuôi tôm quảng canh, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp, các yếu tố quyết định: Môi trường nuôi trong lành, con giống tốt, đạt chuẩn và sạch bệnh, công nghệ – kỹ thuật nuôi phù hợp, sẽ đảm bảo cho vụ nuôi thành công, đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, nếu con giống có tốt mà môi trường nuôi không tốt, hay kỹ thuật nuôi không phù hợp, do khâu chăm sóc, cho ăn tạo ra những nguy cơ ô nhiễm thì dịch bệnh tôm cũng sẽ xảy ra. Ngược lại môi trường đảm bảo tốt, kỹ thuật nuôi không có vấn đề gì gây ô nhiễm thì dù con giống có bị hạn chế vẫn còn có thể kiếm ăn được. Mặt khác, nếu gặp con giống xấu, nhiễm các loại bệnh, rồi môi trường nuôi ban đầu có vấn đề xấu, không an toàn, thì dù kỹ thuật có phù hợp, tiên tiến cỡ nào cũng khó mà thắng lợi. Nên cả ba yếu tố môi trường, chất lượng con giống và kỹ thuật nuôi phải đều đảm bảo và hài hòa cùng nhau, mà yếu tố môi trường phải đóng vai trò chủ đạo. Như vậy cần phải làm gì để có được một môi trường nước nuôi tốt nhằm đảm bảo cho vụ tôm nuôi đạt được kết quả như mong muốn trong điều kiện hiện nay? Chắc chắn phải nhờ ao lắng!

Theo như phân tích trên, trong nuôi tôm hiện nay nếu không tính các yếu tố tự nhiên do ảnh hưởng biến đổi khí hậu – triều cường hay thời tiết cực đoan mưa bão, áp thấp, nắng nóng gay gắt luôn đe dọa, thì cũng có thể kể những thách thức lớn do con người gây nên đã tác động xấu đến nghề nuôi tôm từ nhiều năm qua. Chất lượng con giống kém, môi trường ô nhiễm nhiều thứ khó xử lý đang tràn lan nhiều nơi, kỹ thuật nuôi chậm cải tiến để thích ứng tốt hơn với tình hình mới và quan trọng hơn là đa số nông dân chưa được phổ cập kiến thức một cách rộng rãi về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh trong nuôi tôm… Tổng hợp những yếu tố trên làm cho nghề nuôi tôm thắng – thua thường mang tính chu kỳ và thường ít khi quá ba, bốn vụ/ lần, làm cho đời sống, sinh cảnh những vùng tôm ngày càng trở nên ảm đạm và hiệu quả của chuyển dịch sản xuất cũng dần mất đi phần nào ý nghĩa lẫn niềm kỳ vọng sẽ làm giàu từ con tôm.

Mặt khác, từ lâu chúng ta vẫn theo hướng dẫn bài vở, lý tưởng là phải có kênh cấp, kênh thoát riêng biệt, nhưng trong thực tiễn các dòng nước sông, rạch đều đã bị ô nhiễm ít nhiều các loại nước, rác thải từ sinh hoạt, chế biến công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, khả năng tự làm sạch của các sông rạch có giới hạn, các dòng kênh cấp – thoát nước cũng không cách xa nhau là bao, nên nếu có được sự cấp thoát riêng biệt thì cũng đầu này thải ra, đầu kia lấy vào ngay chính dòng nước ấy. Do vậy, muốn có được nguồn nước sạch phục vụ nuôi thủy sản trong tình trạng hiện tại, không có cách nào khác là tự mỗi hộ nuôi, vùng nuôi phải chọn dòng nước tốt hơn, từ những dòng nước ngoài kênh rạch hiện có, để lấy vào thời điểm thích hợp và lắng lọc, xử lý cho an toàn mà thôi. Chính vì thế, ao lắng – khu lắng xử lý nước là rất quan trọng và cần thiết, đảm bảo cho nuôi thủy sản, nhất là con tôm được an toàn, thành công, sau mỗi vụ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế.

Trong tiết xuân ấm mát vui tươi, vụ tôm chính vụ năm 2015 đang và sắp được nông dân tiến hành trong điều kiện kênh cấp, kênh thoát không thể tách biệt, nguồn nước bị ô nhiễm nước thải, bùn thải tràn lan và nhiều thứ bệnh nguy hiểm lưu truyền triền miên khắp các vùng nuôi, ao lắng – khu lắng sẽ vô cùng cần thiết và rất có ý nghĩa, nhất là cho đồng đất Nam Cà Mau, để đảm bảo những vụ tôm thắng lợi.

Theo KS. Nguyễn Văn Thước, Báo Đất Mũi

2 bình luận trong “Năm mới bàn chuyện cũ: “cái ao lắng” trong nuôi tôm”

Ý kiến của bạn