Ninh Thuận: Bền vững như tôm nuôi VietGAP

Năm 2014, diện tích thả tôm giống toàn tỉnh Ninh Thuận đạt 1.000 ha tôm thẻ chân trắng và 46 ha tôm sú, sản lượng thu hoạch khá 8.940 tấn, đạt 112 % kế hoạch và 113 % so năm 2013.

Năm nay, tỷ lệ diện tích tôm nuôi bị bệnh giảm ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây do người nuôi nhỏ lẻ không tiếp tục thả nuôi khi tôm bị bệnh. Cả năm 2014, diện tích tôm bệnh là 105 ha chiếm 10% diện tích thả nuôi, chủ yếu ở giai đoạn 10 – 30 ngày tuổi với các dấu hiệu của bệnh do môi trường, đốm trắng, gan tụy.

Cùng đó, hoạt động nuôi tôm thương phẩm năm qua bắt đầu phát triển theo chiều sâu, người nuôi tuân thủ kế hoạch mùa vụ của Sở NN&PTNT, chú trọng hơn đối với các điều kiện sản xuất an toàn và cùng nhau hợp tác, hỗ trợ và học hỏi kinh nghiệm. Có thể khẳng định năm 2014, tình hình bệnh tôm nuôi đã được cải thiện. Các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ không còn năng lực tiếp tục nuôi, thay vào đó là hình thành các trang trại quy mô nhỏ và vừa (từ 2 – 5 ha), cơ sở hạ tầng nuôi được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, đủ điều kiện thâm canh đặc biệt là nuôi tôm thâm canh theo hướng VietGAP.

Với giá tôm dao động 100.000 – 135.000 đồng/kg/100 con, hầu hết người nuôi trên địa bàn tỉnh có lãi.

Nuôi tôm VietGAP là thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (Vietnamese Good Aquaculture Practices). Mục đích đảm bảo kiểm soát các mối nguy, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu dịch bệnh, quản lý tốt sức khỏe tôm nuôi và truy nguyên nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tôm, người nuôi có trách nhiệm với an sinh cộng đồng, đảm bảo phúc lợi và an toàn cho người lao động.

Cơ sở nuôi tôm phải có trách nhiệm với xã hội, tôn trọng văn hóa cộng đồng địa phương, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước và không làm ảnh hưởng tới sinh kế của người nuôi và cộng đồng xung quanh. Phát triển nuôi tôm phải tích cực đóng góp vào sự phát triển nông thôn, góp phần giảm nghèo cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm ở địa phương.

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP tại vùng nuôi trên cát thôn Hòa Thạnh, xã An Hải quy mô 2 ha với 5 hộ tham gia do ông Nguyễn Ngọc Toàn làm tổ trưởng. Sau thời gian chuẩn bị kỹ về chỉnh trang ao, đìa, giăng lưới ngăn chim, nhà kho, hệ thống nước cấp và thải, xây dựng WC, cải tạo ao, chọn giống… tập trung thả tôm giống vào đầu tháng 8/2014.

Kết quả, sau 71 ngày nuôi thu hoạch được 30 tấn (tôm cỡ 52 – 54 con/kg), giá bán 162 – 186.000 đồng/kg (do giá trên thị trường tăng cao) doanh thu 5 tỷ đồng, lợi nhuận 2,4 tỷ đồng. Tôm nuôi VietGAP nhanh lớn (do mật độ vừa phải), màu sắc đẹp, tỷ lệ sống cao, không bị bệnh, năng suất đạt 15 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, tôm nuôi VietGAP, có giá bán cao hơn tôm nuôi thường 12.000 – 15.000 đồng/kg vì hạn chế hoặc không dùng kháng sinh, do vậy đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu dễ dàng.

Mặt khác, nuôi tôm thâm canh theo mô hình VietGAP có quy trình giống như mô hình nuôi tôm truyền thống như chuẩn bị nước bơm cấp vào ao lắng; gây màu nước; chọn và thả tôm giống; chăm sóc quản lý; thu hoạch. Nhưng nét khác biệt là hộ nuôi kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào như chất lượng nước, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Trong suốt quá trình nuôi, chỉ dùng các loại thuốc, hóa chất nằm trong danh mục được phép lưu hành, ghi chép cẩn thận “nhật ký ao nuôi” từ khâu nhập con giống, thức ăn, cải tạo ao nuôi đến thu hoạch, xử lý chất thải sau thu hoạch. Nếu làm tốt kỹ thuật, tỷ lệ tôm sống đạt trên 90%, tôm sinh trưởng nhanh, cho thu hoạch sau 70 – 80 ngày. Năng suất trung bình ước đạt 15 – 20 tấn/ha /vụ.

Trong điều kiện giá tôm chưa ổn định như hiện nay, mô hình nuôi tôm VietGAP mở ra hy vọng mới cho nông dân, nâng cao giá trị và ổn định đầu ra sản phẩm để phát triển nghề nuôi bền vững. Đối với các doanh nghiệp thu mua, tôm “sạch” theo tiêu chí VietGAP đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, doanh nghiệp yên tâm về sản phẩm chào bán, tự tin chinh phục các thị trường chiến lược như Nhật Bản, Mỹ, EU.

Khi sản phẩm xuất khẩu ngày càng chịu sự kiểm tra gắt gao của nước nhập khẩu có quy định chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dư lượng các chất kháng sinh (yếu tố hóa học) và tồn tại của vi khuẩn độc hại (yếu tố sinh học); quy trình sản xuất sạch của mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP sẽ tạo bước đột phá cho nghề nuôi tôm thương phẩm tỉnh Ninh Thuận phát triển bền vững.

Theo Đỗ Kim Tâm, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 13/01/2015

Một bình luận trong “Ninh Thuận: Bền vững như tôm nuôi VietGAP”

Ý kiến của bạn