Tôm gặp khó, đành “treo ao”

Vùng nuôi tôm đang gồng mình với nắng nóng, khô hạn và rớt giá thê thảm. Người nuôi tôm miền Tây đành phải “treo ao”, chờ thời tiết thuận lợi và giá tôm phục hồi.

Tôm nuôi chết khát

Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu cho biết: “Tôm chết do bất lợi môi trường, nhiệt độ tăng cao, nắng nóng, thiếu nước tối thiểu, tảo “nở hoa”… gây bất lợi cho tôm nuôi”.

Bà Nguyễn Thị Thà, ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) lội xuống ao tôm, mò tôm chết để làm khô. Bà Bình than thở: “Tôm sú mới thả nuôi chưa đây 2 tháng, đâm đầu vô bờ chết, bán chẳng ai mua. Xót của, tôi vớt làm khô, ăn dần, chẳng lẽ bỏ thúi ao!”

Ông Liêu Viết Nhị, ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) đang nuôi 19 ao tôm thâm canh, bán thâm canh xảy ra tôm chết kéo dài. Các ao tôm của ông Liêu Viết Nhị đang thả nuôi không còn độ sâu tối thiểu 1,2 m, độ mặn đo được trên 40 phần ngàn.

Ông Liêu Việt Bình – em trai ông Nhị nói: “Nắng nóng, kiệt nguồn nước và độ mặn quá cao, tôm không lột vỏ sao lớn nổi. Chúng tôi canh nước lớn để bơm vào nhưng ai cũng tranh thủ bơm thành ra thiếu nước”.

Ông Lê Văn Tám, nông dân nuôi tôm bán thâm canh ở xã Lương Thế Trân (Cái Nước, Cà Mau) buồn bã: “Không có đủ nước để bơm vào ao đầm nuôi tôm, nước các sông rạch đều cạn kiệt”.

Dừng thả giống, chờ cơ hội

Ông Lâm Văn Linh, 42 tuổi, ở xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu) nói: “Tôi dừng thả tôm giống, tập trung cải tạo ao, phơi đáy ao. Nếu thả nuôi vào thời điểm này có trúng mùa cũng rớt giá. Người nuôi tôm phải tính toán thời điểm trúng mùa, trúng giá”.

Thị trường tôm nguyên liệu chế biến xuất khẩu ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… rớt giá khoảng 20 – 30% so với cùng kỳ. Từ đầu năm 2015 đến nay, giá tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bà con nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh cho biết, chi phí nuôi mỗi kg tôm nguyên liệu khoảng 100.000 đồng/kg. Giá tôm sú loại loại 30 con/kg còn 140.000 -160.000 đồng/kg. Ông Nhiếp Mạnh Tiến, chủ trang trại nuôi tôm ở xã Lý Văn Lâm (thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Nuôi tôm rủi ro cao, vốn đầu tư lớn nên giá tôm hiện nay, bà con nuôi tôm hết lời”.

Ông Lâm Văn Linh chủ trang trại nuôi tôm từ năm 2003 đến nay với 33 ao tôm thâm canh, bán thâm canh rút kinh nghiệm: Mùa nắng, cải tạo ao. Khi mưa rớt hạt, môi trường ổn định, bắt đầu thả giống tôm. Thả nuôi tôm sú trúng mùa, thả tiếp hoặc lấp vụ tôm thẻ chân trắng để làm sao đến cuối năm thu hoạch xong.

Ông Lâm Văn Linh nói: “Tôi vừa thả nuôi 33 ao tôm và hỗ trợ cho hàng trăm nông dân trong vùng tính toán thời điểm thả nuôi có điều kiện trúng mùa và trúng giá. Thông thường, thu hoạch tôm cuối năm bán được giá cao, tôm ôxy cho thị trường nội địa giá cũng khá cao”.

Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu tư vấn: “Bà con nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh chưa thả giống nên chờ nhiệt độ, độ mặn giảm vào mùa mưa và áp dụng hình thức ương gièo – san thưa”.

Vào thời điểm đầu tháng 5/2015, Bạc Liêu thả nuôi 110.616 ha, thiệt hại 2.781 ha chủ yếu tôm thâm canh và bán thâm canh, mức độ thiệt hại 30 – 70%. Tại Cà Mau có 2.800 ha nuôi tôm bị chết, thiệt hại trên 10 tỷ đồng và các loại cá thả nuôi như cá chình, cá bống tượng cũng bị chết, thiệt hại trên 4 tỷ đồng.

Theo Nguyễn Tiến Hưng, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 25/05/2015

Một bình luận trong “Tôm gặp khó, đành “treo ao””

Trả lời phản hồi cho ücretsiz binance hesabi Hủy