Xu hướng thị trường tôm EU

Mặc dù khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp diễn, nhưng theo dự đoán nhu cầu đối với các sản phẩm tôm tại EU sẽ duy trì ổn định trong thời gian tới. An toàn thực phẩm, tính bền vững và minh bạch chuỗi cung ứng là những yêu cầu ngày càng được chú trọng trên thị trường này. Nhằm đảm bảo nguồn cung tôm an toàn và bền vững, các nhà NK EU đang thu hẹp các chuỗi cung ứng và tích cực đầu tư vào các mối quan hệ lâu dài.

1. Tác động của các yếu tố xã hội

1.1 Chú trọng nhiều hơn tới tính bền vững và nguồn cung có trách nhiệm

Ngành nuôi tôm, nhất là tại châu Á, đã bị truyền thông một số nước EU như Đức và Hà Lan bôi xấu và chỉ trích về tác động tiêu cực đến cộng đồng và môi trường. Do đó, ngày càng nhiều nhà NK châu Âu tìm kiếm những nhà cung cấp tôm có thể chứng minh được tính bền vững và trách nhiệm của sản phẩm thông qua các chứng nhận.

1.2 Khoảng cách về yêu cầu sản phẩm ngày càng thu hẹp

Yêu cầu của các nhà NK trong phân khúc thị trường cao cấp tại các nước đang phát triển đang ngày càng khắt khe hơn, thu hẹp dần khoảng cách với yêu cầu của các nhà NK EU. Nói cách khác, các tiêu chuẩn tại các nước đang phát triển chưa nghiêm ngặt bằng tại EU, tuy nhiên, sự khác biệt về yêu cầu an toàn thực phẩm (ATTP) và tính bền vững sẽ giảm dần theo thời gian. Mặc dù vậy, các tiêu chuẩn này ít có khả năng hợp nhất thành một tiêu chuẩn chung toàn cầu.

1.3 Thực phẩm tiện lợi

Do hạn chế về thời gian và nhiều khách hàng không biết cách chế biến tôm, nhu cầu đối với các sản phẩm tôm ăn liền, chế biến sẵn và giá trị gia tăng (GTGT) ngày càng lớn. Hiện chỉ có các hoạt động gia tăng giá trị đơn giản như lột vỏ và chia phần được gia công. Tuy nhiên, do áp lực giá, sẽ có thêm nhiều hoạt động gia tăng giá trị phức tạp hơn như gia công tôm tẩm ướp tại các nước đang phát triển, mang lại cơ hội cho các nhà sản xuất các sản phẩm tôm GTGT chất lượng như tôm xiên que hay tôm tẩm ướp.

2. Tác động của các yếu tố công nghệ

2.1 An toàn thực phẩm và tính minh bạch

ATTP và tính minh bạch ngày càng được chú trọng tại khắp châu Âu. Các yêu cầu tiếp cận thị trường trở nên chặt chẽ hơn do có những bất cập trước đây về chất lượng sản phẩm tôm cũng như rủi ro tài chính và uy tín của các nhà NK châu Âu. Các tiêu chuẩn chất lượng riêng và minh bạch chuỗi cung ứng ngày càng được áp dụng phổ biến như một yêu cầu tiếp cận thị trường nhằm đảm bảo các sản phẩm tôm an toàn cho người tiêu dùng EU.

2.2 Các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng

Do mỗi nước EU có yêu cầu sản phẩm khác nhau, nên các nhà XK tôm muốn cung cấp các sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng cần liên kết chặt chẽ với các nhà NK EU. Do đó, các nhà cung cấp phải có khả năng định hướng đặc tính sản phẩm xuyên suốt toàn bộ quy trình sản xuất từ nuôi tới chế biến nhằm đáp ứng được yêu cầu về kích cỡ, các loại phụ liệu, chế biến và đóng gói.

3. Tác động của các yếu tố kinh tế

3.1 Khủng hoảng kinh tế dẫn đến tăng nhu cầu đối với các sản phẩm giá trị thấp

Giá trị tiêu thụ và NK thủy sản nhiều khả năng sẽ giảm trong thời gian tới do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là tại Nam Âu. Tuy nhiên, khối lượng tiêu thụ và NK thủy sản vẫn sẽ duy trì ổn định. Người tiêu dùng châu Âu có xu hướng mua các sản phẩm tôm giá rẻ. Do đó, nhu cầu đối với tôm chân trắng sẽ tăng và tôm sú sẽ giảm. Giao dịch thương mại với Nam Âu thông qua Tây Bắc Âu sẽ ngày càng gia tăng, do thương nhân ở đây có tiềm lực tài chính mạnh hơn và khả năng tiếp cận nguồn vốn tốt hơn. Hiện tại, cơ hội sẽ đến với những nhà XK có thể cung cấp các sản phẩm có giá trị thấp.

3.2 Khủng hoảng tôm toàn cầu ảnh hưởng tới nhu cầu của EU

Dịch bệnh EMS bùng phát toàn cầu đã đẩy giá tôm trên thị trường quốc tế đạt mức kỷ lục. Nhằm hạn chế ảnh hưởng lên giá tiêu dùng, nhà cung cấp đã bắt đầu thu mua tôm cỡ nhỏ hơn và áp dụng tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước cao hơn. Tuy nhiên, do vẫn thiếu hụt nguồn cung, giá tôm tăng dần và theo dự đoán nhu cầu sẽ giảm. Tăng giá trong thời gian trước mắt không gây ảnh hưởng lâu dài đến nhu cầu, tuy nhiên, nếu giá vẫn duy trì ở mức cao, nhiều khả năng các siêu thị sẽ thay thế tôm bằng các sản phẩm khác. Khi đó, tôm sẽ không dễ dàng lấy lại được vị thế khi giá giảm, gây ảnh hưởng tới các nguồn cung tôm cho thị trường EU.

3.3 Tăng trưởng tiêu thụ tôm tại Đông Âu

Đông Âu đang trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh và được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà phát triển trong thời gian tới. . Người tiêu dùng tại Đông Âu dễ tiếp nhận sản phẩm tôm hơn so với các khu vực EU khác. Tuy nhiên, theo dự đoán, thị trường tôm tại Đông Âu sẽ duy trì ở quy mô nhỏ trong thời gian tới, mặc dù thị trường sẽ tăng trưởng đáng kể trong tương lai lâu dài. Phương thức thâm nhập tốt nhất là thông qua các nhà NK tại Tây Âu đang muốn mở rộng kinh doanh.

3.4 Cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các nhà NK nhóm nước BRIC

Do khủng hoảng nguồn cung hiện tại, các nhà NK EU đang phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt, nhất là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài khi mức giá trở lại bình thường, khách hàng EU vẫn phải đối mặt với cạnh tranh từ các nước BRIC (Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) đang đưa ra mức giá bằng hoặc cao hơn trong khi yêu cầu về sản phẩm ít nghiêm ngặt hơn. Do đó, khách hàng EU có thể phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn nhiều và phải muanguyên liệu với giá cao hơn. Trừ khi cầu tăng nhanh hơn cung thì việc kinh doanh của các nhà XK sẽ có lợi hơn.

4. Tác động của các yếu tố môi trường

4.1 Nhận thức của người tiêu dùng EU về sản xuất thủy sản bền vững

Giới truyền thông đang tập trung vào những tác động tiêu cực của nghề nuôi tôm. Do đó, những vấn đề như khôi phục rừng ngập mặn, hỗ trợ cộng đồng và quản lý nguồn nước thải đang được quan tâm một cách rộng rãi và sẽ ngày càng được chú trọng do các nhà bán lẻ và bán buôn đang chịu áp lực từ các tổ chức phi chính phủ trong việc đảm bảo rằng tôm họ cung cấp được nuôi bền vững. Nếu chứng minh được tôm bán ra không tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên thì giá trị sản phẩm sẽ tăng và sẽ được ưa chuộng hơn tại EU.

4.2 Chứng nhận trên thị trường chính thống

Ban đầu, chứng nhận bền vững được sử dụng để nhắm tới các thị trường ngách cụ thể. Hiện nay, thị trường chính thống cũng đang tăng cường tìm kiếm các sản phẩm tôm được chứng nhận, nhất là tại các chuỗi siêu thị lớn ở Bắc, Tây và Nam Âu. GlobalGAP hiện đang là chứng nhận được quan tâm nhất. Tuy nhiên, các chuỗi siêu thị tại Tây Âu không khẳng định họ hy vọng tất cả các sản phẩm tôm của họ sẽ đạt chứng nhận của Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) kể từ năm 2015. Theo dự đoán, ASC sẽ ngày càng có vị trí quan trọng trên khắp các thị trường EU. ASC sẽ đưa ra bộ tiêu chuẩn cho các trại nuôi lớn và một bộ tiêu chuẩn riêng cho các trại nuôi quy mô nhỏ.

4.3 Chứng nhận trên các thị trường ngách

Nhiều thị trường ngách tại EU yêu cầu có các chứng nhận cụ thể để có thể tiếp cận thị trường. Những chứng nhận này hầu hết đều liên quan tới thương mại công bằng hoặc sản xuất hữu cơ. Các thị trường ngách được kỳ vọng sẽ mở rộng song song với nhận thức ngày càng cao của người tiêu thụ EU liên quan đến việc họ ăn gì và thức ăn được chế biến như thế nào. Các sản phẩm được chứng nhận hữu cơ là tôm được sản xuất tại các hệ thống quảng canh hoặc thâm canh chỉ sử dụng thức ăn tự nhiên và không có phụ gia.

5. Tác động của các yếu tố chính trị

5.1 Kiểm tra hải quan 20% số lô hàng tôm

Các cơ quan y tế châu Âu tiếp tục áp dụng các chính sách nghiêm ngặt đối với việc NK tôm nhiệt đới. Nhiều nước, như Ấn Độ và Inđônêxia, đang phải đối mặt với quy định kiểm tra 20% số lô hàng tại cửa khẩusau việc phát hiện ra các lô tôm nhiễm độc. Do nhận thức của người tiêu dùng về việc sử dụng hóa chất và thuốc chữa bệnh trong sản xuất tôm ngày càng tăng, nên sẽ áp dụng các quy định nghiêm ngặt và việc xử phạt nếu tình hình không khả quan hơn. Do đó, các DN trong cùng hiệp hội các nhà XK trong nước cần hợp tác với nhau và với chính phủ nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định trong ngành tôm.

Theo Ngọc Tú, VietFish, 15/10/2014

Ý kiến của bạn