Kinh nghiệm cá hồi Na Uy

Tổng cục Thủy sản đang xây dựng đề án xúc tiến thương mại cá tra, thời gian thực hiện từ năm 2015 đến 2020, kinh phí hơn 211 tỷ đồng. Mục tiêu chính, nâng cao giá xuất khẩu và giá trị gia tăng các mặt hàng sản phẩm cá tra, quảng bá chất lượng và thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam, nâng cao thu nhập cho người nuôi và doanh nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện bộ máy, chính sách, năng lực xúc tiến thương mại sản phẩm cá tra. Mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu, năm 2020 đạt 3 tỷ USD.

Quá trình nghiên cứu xây dựng đề án xúc tiến thương mại, Tổng cục Thủy sản rất coi trọng kinh nghiệm thành công của Na Uy trong phát triển thương hiệu “Cá hồi Na Uy” với biểu tượng là một ngư phủ lão luyện trên nền núi tuyết và biển xanh, hình ảnh môi trường trong sạch. Đây là thành công của sự phối hợp Nhà nước và cộng đồng để xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực. Cơ chế cụ thể và được luật hóa, doanh nghiệp không chỉ tham gia hội chợ mà còn nghiên cứu thị trường, thay đổi hình ảnh sản phẩm.

Hội đồng Xuất khẩu Thủy sản Na Uy được thành lập bởi Bộ Công thương và Thủy sản, đại diện cho những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản (cá hồi chiếm 56%), có chức năng phát triển thị trường; định hướng tiêu dùng. Đặc biệt, Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ kịp thời tháo gỡ các rào cản thương mại và quản lý tốt thương hiệu thủy sản Na Uy. Hội đồng có ban giám đốc, các ban cố vấn (đối với từng sản phẩm thủy sản), hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, có 12 văn phòng đại diện tại nước ngoài. Kinh phí hoạt động từ thu phí xuất khẩu, hàng thông thường thu 0,75% giá trị, hàng giá trị gia tăng thu 0,2%.

Na Uy áp dụng hạn ngạch nuôi cá hồi để quản lý việc bình ổn giá cá. Hằng năm, không cho sản lượng tăng trên 10% để tránh thừa. Luật Xuất khẩu thủy sản Na Uy quy định, các nhà xuất khẩu không được bán cá hồi thấp hơn giá thành sản xuất.

Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ được Chính phủ Na Uy đặc biệt coi trọng, giao Hội đồng Xuất khẩu Thủy sản thực hiện. Thông tin về xúc tiến thương mại thủy sản bảo đảm minh bạch, phù hợp pháp luật Na Uy và pháp luật quốc tế. Việc phân tích, đánh giá hiệu quả trước và sau khi thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thủy sản là bắt buộc.

Việc xây dựng, củng cố thương hiệu thủy sản Na Uy được thực hiện bởi Hội đồng Xuất khẩu Thủy sản. Lĩnh vực này có các hoạt động chủ yếu: Hướng dẫn tiêu dùng, tham gia hội chợ thương mại, quảng bá thương hiệu gắn với các sự kiện và còn gắn với hoạt động của các chính trị gia. Na Uy rất quan tâm giới trẻ, chú trọng phát triển thị trường nội địa. Hằng tháng, Hội đồng Xuất khẩu Thủy sản có trách nhiệm thống kê khối lượng thủy sản của Na Uy tiêu thụ tại 46 quốc gia. Qua đó, phân tích, đánh giá thị trường, thị hiếu và xu hướng tiêu dùng, các sự cố ảnh hưởng tới tiêu thụ. Thông tin được loan truyền đến doanh nghiệp và các ngành liên quan, qua đó đề xuất Chính phủ kịp thời điều chỉnh chính sách cho thích hợp.

Theo Sáu Nghệ, Tạp chí thủy sản Việt Nam, 08/12/2014

Ý kiến của bạn