Huyện Hoằng Hóa: Nhiều nông dân thoát nghèo nhờ nuôi trồng thủy sản

Thời gian qua, đã có không ít hộ nông dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa thoát nghèo và có thu nhập khá, thậm chí vươn lên làm giàu nhờ phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS), góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Là một trong những địa phương có diện tích NTTS lớn của huyện Hoằng Hóa, xã Hoằng  Đạt đã khai thác lợi thế này để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ông Nguyễn Viết Diện, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học – kỹ thuật; tăng cường công tác khuyến ngư, phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn đào tạo nghề NTTS theo hướng hàng hóa cho các hộ nuôi. Hiện nay, toàn xã có 114 ha NTTS nước ngọt và nước lợ với gần 100 hộ nuôi. Bình quân mỗi năm nghề NTTS của xã đạt giá trị gần 10 tỷ đồng. Gia đình anh Nguyễn Văn Đạt, ở thôn Trù Ninh là hộ nông dân điển hình chuyển đổi diện tích cấy lúa bấp bênh sang đào ao, thả cá, quy hoạch vùng NTTS tập trung với diện tích 3 ha nuôi công nghiệp và nuôi thâm canh. Không chỉ sử dụng thức ăn cho cá là cám công nghiệp, anh còn kết hợp nhiều loại thức ăn khác nhau phù hợp với đối tượng cá và độ tuổi của cá để vừa nâng cao chất lượng thịt, vừa tận dụng được sản phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như: ngô, chất thải gia súc, gia cầm, cỏ… Trung bình mỗi năm, các ao cá của gia đình anh Đạt cho tổng doanh thu gần 200 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Huy Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho biết: Hiện nay, huyện có tổng diện tích NTTS là 1.910,9 ha, trong đó diện tích nước lợ 1.351 ha, nước ngọt 437,6 ha, nước mặn 100,3 ha, cá lúa 22 ha, tập trung ở các xã: Hoằng Đạt, Hoằng Phụ, Hoằng Châu, Hoằng Phong… với trên 1.000 hộ nuôi. Để khuyến khích người dân đầu tư NTTS, huyện đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt công tác quản lý chất lượng giống, cải tạo, vệ sinh ao đầm; quản lý mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất thông qua các chương trình dự án. Tăng cường công tác chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến ngư qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật NTTS, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng và có khả năng nhân rộng cao. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo quyết liệt các xã vùng triều trên địa bàn đưa 100% diện tích NTTS vào  nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ, trong đó tôm sú, cua là đối tượng nuôi chính, tôm rảo, cá các loại, rau câu… là đối tượng thu thường xuyên, nuôi cá rô phi cuối vụ ở một số ao đầm bảo đảm  ăn chắc trong mùa mưa, bão, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nông dân. 9 tháng năm 2014, sản lượng NTTS trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đạt 4.120 tấn, trong đó tôm sú đạt 128 tấn, tôm rảo đạt 205 tấn, cua đạt 220 tấn… Nhờ đó, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có thêm thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống.

Để nghề NTTS phát triển mạnh và bền vững, thời gian tới huyện Hoằng Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Trong đó, chú trọng phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt công tác quản lý chất lượng giống, cải tạo, vệ sinh ao đầm; tăng cường công tác chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến ngư qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng và có khả năng nhân rộng cao; có chính sách cho thuê đất để các hộ yên tâm sản xuất; tạo điều kiện để các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn… nhằm góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo Quốc Hương, Báo Thanh Hoá, 18/11/2014

Ý kiến của bạn