Bến Tre: Thuê đất nuôi thủy sản, doanh nghiệp chạy làng – nông dân ôm nợ

Hiện nay, nhiều nông dân tại tỉnh Bến Tre rất bức xúc vì diện tích đất đã cho các doanh nghiệp thuê nuôi thủy sản hết hợp đồng hơn một năm mà chưa được giải quyết.

Ông Trần Văn Tính cũng như nhiều hộ dân khác ở ấp 6 xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre phải lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi cho các doanh nghiệp thuê đất nuôi tôm sú. Năm 2002, gia đình ông cho công ty Trách nhiệm hữu hạn Thuốc lá Bến Tre thuê 1,6 ha ruộng để đào ao nuôi tôm sú, giá mỗi hecta là 10 triệu đồng/năm. Dù đến cuối năm 2012, đã hết thời hạn hợp đồng, nhưng phía doanh nghiệp vẫn chưa xác định đúng vị trí đất để bàn giao đất. Vì diện tích ruộng trước đây đã bị doanh nghiệp đào thành ao nhập chung với diện tích đất hộ khác nên việc xác định lại diện tích cũ để chia ra thật nhiêu khê.

Gia đình ông có ba người con đã trưởng thành co nhu cầu ở riêng; trong khi đó muốn chia phần đất cho các con cũng không được. Ông Tính đem giấy chủ quyền đất đi vay vốn ở ngân hàng để đầu tư nuôi tôm công nghiệp thì phía ngân hàng không được chấp thuận vì đất chưa có ranh giới rõ ràng. “Tôi cho công ty thuốc lá mướn mãn rồi mà tới nay ranh giới chưa hoàn chỉnh. Người dân ấp 6 này mong chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ cho người dân đo đạc lại để người dân được tự do vay bợ, có nguồn vốn sinh sống. Thứ 2 nữa là chia cho con cái dễ dàng hơn.

Còn hộ ông Lê Văn Thông, ngụ cùng ấp 6, xã Bình Thắng cũng đứng ngồi không yên hơn một năm nay. Ông Thông cho biết, gia đình ông cũng cho doanh nghiệp thuê 3,2 ha đất đào thành ao nuôi tôm sú. Hợp đồng dù đã hết hạn, nhưng doanh nghiệp biệt tăm, bỏ ao hoang hóa.

Trong khi đó, gia đình ông không có đất sản xuất rơi vào tình cảnh khó khăn, nơ nần chồng chất. Ông Thông cho biết, khi cho thuê là đất ruộng, còn bây giờ doanh nghiệp đã “biến” thành ao nên để trồng lúa lại thì phải mất khoản khi phí khá lớn cho việc thuê máy móc cơ giới san lấp mặt bằng như cũ. Còn sử dụng nuôi tôm sú công nghiệp thì cũng không được vì các ao này đã bị nhiễm hóa chất, mầm bệnh rất nặng, nuôi thủy sản dễ bị rủi ro. Hiện tại, ông để ao nuôi quảng canh để kiếm ít tiền mua gạo cho gia đình. Ông Lê Văn Thông chia sẻ: “Hồi đó mấy ổng thuê 10 năm, trả tiền trước 5 năm. 10 năm mãn hợp đồng, mấy ổng mướn lình xình quá. Hồi đó là ruộng bây giờ cạp lên không làm ruộng được, chỉ nuôi quãng canh thôi, không cấy lúa lại được.

Tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre có hơn 450 hộ dân cho Công ty xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre thuê hơn 250 ha đất muối để đào ao nuôi tôm sú cũng đang lâm vào tình trạng tương tự. Các hợp đồng này có giá trị 10 năm và đã hết hạn vào cuối 2013. Tuy nhiên, doanh nghiệp “chạy làng” để lại những đầm tôm hoang vắng.

Điều đáng nói là các hợp đồng cho thuê đất giữa nông dân và doanh nghiệp đều có chính quyền địa phương chứng nhận. Khi dân khiếu nại, tố cáo doanh nghiệp bỏ ao, vi phạm hợp đồng, chính quyền vào cuộc, doanh nghiệp cũng thờ ơ, hứa hết đợt này đến đợt khác. Bởi trong hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ dân không nêu rõ khi kết thúc hợp đồng, người dân sẽ nhận lại ruộng hay ao. Nếu nhận lại ruộng thì phần chi phí đo đạc, xác định ranh giới thuộc về ai? Giữa hộ dân và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung, để cùng nhau giải quyết vấn đề tồn tại trong hợp đồng cho thuê đất nuôi thủy sản.

Cá biệt đối với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre thì đang gặp khó khăn trong kinh doanh nên rất kỳ kèo trong việc giải quyết hợp đồng thuê đất của dân. Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre nói: “Trường hợp công ty CPXNK lâm thủy sản thuê đất của 43 hộ đại diện cho 26 hộ có yêu cầu đến để trao đổi. Chúng tôi có văn bản bao cáo UBND huyện. Kiến nghị thứ nhất là huyện sớm quan tâm kết hợp với xã kiến nghị tỉnh tác động với công ty xuống gặp với dân. Một là thuê hay là hết hợp đồng trả lại dân để họ sản xuất đảm bảo cuộc sống. Thứ 2 là ổn định tình hình khiếu nại, khiếu kiện đảm bảo an ninh nông thôn, nhưng tới nay huyện chưa có thông tin gì.

Khi chúng tôi, liên hệ với lãnh đạo các doanh nghiệp thuê đất dân nuôi thủy sản để tìm hiểu rõ ràng vụ việc thì cũng nhận được câu trả lời: bận họp, bận đi công tác xa…

Đất đai là tài nguyên quý giá do nhà nước quản lý, là tư liệu sản xuất chủ yếu của người dân. Việc bỏ đất hoang trong một thời gian dài vừa gây lãng phí tài nguyên vừa làm cho đời sống các hộ dân cho thuê đất gặp khó khăn. Do đó, chính quyền và ngành chức năng huyện Bình Đại, huyện Ba Tri và tỉnh Bến Tre cần có giải pháp mạnh hơn, kiên quyết buộc các doanh nghiệp phải “đối thoại” với nông dân trên cơ sở hợp tình, hợp lý; sớm xử lý dứt điểm việc doanh nghiệp thuê đất “chạy làng”- nông dân ôm nợ.

Theo VOV, 17/11/2014

Ý kiến của bạn